Thứ Tư, 11 tháng 11, 2009

Suối nguồn - Ayn Rand



Mười tám tháng trôi qua. Một ngày mùa xuân, Dominique đi bộ đến công trường thi công tòa nhà Wynand.

Cô nhìn những tòa nhà chọc trời trong thành phố. Chúng vươn lên từ những vị trí bất ngờ, vượt qua những mái nhà thấp. Chúng có một vẻ thình lình; như thể chúng vừa nhô lên chỉ một giây trước khi cô nhìn thấy chúng và cô đã chớp được những rung động cuối cùng của chúng. Cứ như thế, nếu cô quay mặt đi và bất thần ngoảnh lại, cô sẽ bắt quả tang những tòa nhà đang bật lên.

Cô rẽ qua một góc phố ở Hell's Kitchen và đi vào một khu đất rộng đã được dọn sạch.

Những cỗ máy đang bò trên mặt đất bị xới tung để giải phóng mặt bằng cho một công viên trong tương lai. Từ giữa khu đất mọc lên bộ khung tòa nhà Wynand; nó đã hoàn thiện và vươn thẳng lên trời. Phần trên của bộ khung vẫn để trần - trông như cái lồng đan bằng thép. Ở phía dưới, kính và vữa nối nhau dâng lên, phủ kín phần còn lại của những khung thép đang cắt xuyên qua không gian.

Cô nghĩ: Người ta nói rằng trung tâm của quả đất là một khối lửa. Khối lửa đó bị nhốt chặt và câm lặng. Nhưng đôi lúc nó phá tung những tầng cao lanh, sắt, và granit, để bắn tung lên bầu trời tự do. Khi ấy, nó trở thành một thứ như thế này.

Cô bước tới tòa nhà. Có một hàng rào gỗ phủ quanh những tầng dưới của tòa nhà. Ở trên đó có những bảng quảng cáo lớn ghi tên các hãng cung cấp vật liệu cho tòa nhà cao nhất thế giới. "Thép do công ty Thép Quốc gia cung cấp." "Kính của tập đoàn Ludlow." "Thiết bị điện của tập đoàn Wells-Clairmont." "Thang máy của tập đoàn Kessler." "Nhà thầu Nash & Dunning."

Cô dừng lại. Cô nhìn thấy một thứ mà cô chưa từng để ý đến trước đó. Cô có cảm giác một bàn tay vừa chạm nhẹ vào trán cô - bàn tay có khả năng chữa bệnh của những nhân vật trong truyền thuyết. Cô chưa từng biết Henry Cameron và cô cũng chưa từng nghe ông nói, nhưng lúc này, cô có cảm giác cô đang nghe ông nói: "Và tôi biết nếu cậu vẫn mang những lời này đến tận cùng thì đó sẽ là một chiến thắng, Howard, không chỉ là chiến thắng cho cậu mà còn cho cái-đáng-phải-chiến-thắng, cái làm thế giới này tiến lên mặc dù nó chưa bao giờ được thừa nhận. Nó sẽ minh chứng cho rất nhiều người đã ngã xuống trước cậu, những người đã phải chịu đựng như cậu sẽ phải chịu đựng."

Cô nhìn thấy, trên hàng rào bao quanh tòa nhà vĩ đại nhất New York, một tấm biển nhỏ bằng thiếc với dòng chữ:

"Howard Roark, kiến trúc sư."

Cô bước về phía phòng giám sát công trình. Cô vẫn thường đến đây để gặp Roark, để theo dõi tòa nhà mọc lên dần dần. Nhưng lần này, trong phòng là một người mới đến làm, anh ta không biết cô. Cô đề nghị gặp Roark.

"Ông Roark đang ở tít trên bể chứa nước. Xin bà cho biết quý danh."

"Bà Roark." cô trả lời.

Người đó tìm thấy người giám sát công trường. Ông ta để cô đi lên bằng thang kéo ngoài trời, giống như những lần trước. Thang kéo chiỉ là một vài tấm ván với một sợi dây thừng bao quanh; nó chạy dọc thân tòa nhà.

Cô đứng; hai tay giơ lên bám vào một dây cáp, đôi giày cao gót của cô vững chãi trên mặt ván. Những tấm ván khẽ rung, một luồng không khí ép chiếc váy ôm lấy người cô, và cô thấy mặt đất bị bỏ lại phía dưới.

Cô đã vượt qua những khung cửa rộng của khu cửa hàng. Những dãy phố bên dưới chìm xuống sâu hơn. Cô vượt qua mái hiên của những rạp chiếu phim - đó là những tấm thảm đen được treo bằng những dải màu xoắn. Những cửa sổ văn phòng lướt qua cô, những dải kính dài trôi xuống dưới. Những nhà kho lớn biến mất, chìm xuống cùng với những của cải cất giữ ở đó. Đỉnh tháp của những khách sạn nghiêng nghiêng, như cánh của một chiếc quạt đang chạy và được gấp lại. Những ống khói nhà máy nhìn như những que diêm đang bốc khói, những chiếc ô-tô nhìn giống như các khối vuông màu xám đang di chuyển. Mặt trời làm cho những đỉnh núi cao biến thành những ngọn hải đăng - chúng quét ngang thành phố với những luồng sáng trắng. Thành phố trải rộng bên dưới, từng khối nhà sắt thành hàng dài xuống tận bờ sông. Thành phố đứng kẹp giữa hai dải nước mỏng, màu đen. Nó nhảy qua dòng nước và trải dài về phía bình nguyên và chân trời.

Những mái nhà phẳng hạ thấp hạ thấp dần như những bàn đạp ấn những tòa nhà xuống thấp và đẩy chúng ra khỏi đường đi của cô. Cô vượt qua những khối nhà lắp kính hình vuông - đó là những phòng ăn, phòng ngủ và phòng cho trẻ con. Cô nhìn thấy anh đang đứng phía trên. Anh đứng trên giàn giáo cao nhất của tòa nhà Wynand. Anh vẫy tay với cô.

Mặt biển cắt ngang qua bầu trời. Mặt biển nâng dần lên khi thành phố thấp dần bên dưới. Cô vượt qua những đỉnh cao nhất của các tòa nhà ngân hàng. Cô vượt qua chóp mái của những tòa án. Cô vượt qua tháp chuông các nhà thờ.

Ở đó, chỉ còn đại dương, bầu trời, và hình dáng của Howard Roark.


LINK tác phẩm: http://www.thuvien-ebook.com/forums/showthread.php?t=14887

Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2009

Nếu em không phải một giấc mơ..



Mùa đông 1996 Arthur dùng điều khiển từ xa để mở cửa gara và đỗ xe ôtô vào đó. Anh đi theo lối cầu thang trong vào căn hộ mới của mình. Anh dùng chân dập cửa lại, đặt túi xuống, cởi áo măng tô và ngồi phịch vào đi văng. Giữa phòng khách, chừng hai chục thùng các tông vứt ngổn ngang nhắc anh nhớ đến những công việc phải làm. Anh cởi bỏ bộ comlê ra, mặc vào cái quần bò và miệt mài tháo dỡ những thùng đồ, xếp những quyển sách trong các thùng lên giá sách. Sàn gỗ kêu ken két dưới bước chân anh. Đến lúc rất khuya, khi đã xếp xong tất cả, anh bèn gập bỏ những vỏ hộp các tông lại, cho chạy máy hút bụi và dọn nốt cái bếp. Xong xuôi, anh ngắm nghía tổ ấm mới của mình." Mình phải xả cho nguội bớt người đi một chút mới được", anh tự nhủ. Đi vào buồng tắm, anh do dự không biết nên dùng vòi hoa sen hay dùng bồn tắm. Quyết định dùng bồn tắm, anh vặn vòi nước, bật cái đài nhỏ trên lò sưởi gần tủ quần áo đựng quần áo bằng gỗ, cởi quần áo ra và bước vào bồn tắm, thở dài nhẹ nhõm.
Trong khi Peggy Lee hát bài Fever trên làn sóng 101.3FM, Arthur nhúng đầu nhiều lần vào nước. Điều làm anh ngạc nhiên trước hết là chất lượng âm thanh của bài hát mà anh đang nghe, sau đó là tính chất stereo thực đến kinh ngạc, nhất là lại phát ra từ một cái đài được coi là mono. Nghe kỹ, anh cảm thấy hình như từ chiếc tủ quần áo vọng ra tiếng ngón tay đánh nhịp theo giai điệu của bài hát, óc tò mò bị kích thích, anh bước ra khỏi buồng tắm, đi rón rén về phía tủ để nghe rõ hơn. Tiếng động mỗi lúc một rõ lên. Anh do dự, hít một hơi dài rồi bất thần mở tung cánh cửa tủ. Trố mắt ra, anh khẽ lùi lại.
Giữa những chiếc mắc quần áo có một cô gái, mắt nhắm lại, vẻ như bị điệu nhạc quyến rũ, vừa búng ngón tay trỏ và ngón tay cái vào nhau để đánh nhịp, vừa khe khẽ hát.
- Cô là ai ? Cô làm gì ở đây?- anh hỏi.
Cô gái giật nảy mình và mở tròn xoe mắt.
- Anh nhìn thấy tôi à ?
- Tất nhiên là tôi nhìn thấy cô.
- Cô gái dường như vô cùng sửng sốt về việc anh nhìn thấy cô. Arthur liền nhắc cô rằng anh không mù cũng chẳng điếc, rồi anh đặt lại câu hỏi lần nữa : cô làm gì ở đây? Đáp lại mọi câu hỏi, cô gái nói với anh rằng cô thấy điều này thật tuyệt vời. Arthur chả thấy có gì là "tuyệt vời" trong tình huống này cả, và bằng một giọng khó chịu hơn, anh hỏi lại cô lần thứ ba : cô làm gì trong phòng tắm của anh vào giữa lúc đêm khuya như thế ? " Tôi cho là anh chưa hiểu ra vấn đề,- cô gái nói,- anh thử chạm vào cánh tay tôi đi!" Anh ngẩn người ra sững sờ, cô gái nài nỉ :
- Nào, anh làm ơn chạm vào cánh tay tôi đi.
- Không, tôi không chạm vào cánh tay cô đâu, có chuyện gì xảy ra ở đây ?
Cô gái cầm lấy cổ tay Arthur rồi hỏi anh có cảm thấy là cô chạm vào anh không. Vẻ bực tức, anh quả quyết xác nhận rằng anh có cảm thấy là cô chạm vào anh, rằng anh nhìn thấy cô hết sức rõ ràng. Lần thứ tư, anh hỏi cô là ai và làm gì trong tủ đựng quần áo ở phòng tắm của anh. Cô gái lờ hẳn đi trong câu hỏi của anh và hân hoan nhắc lại rằng thật là " kỳ diệu" vì anh nhìn thấy cô, nghe thấy cô và có thể chạm được vào cô.



... ...
Cô lại nhấn mạnh rằng đối với cô việc được người khác nhìn thấy đúng là một phép màu. Cô nói với anh rằng cô thấy cách anh miêu tả cô thật dễ thương. Và cô mời anh ngồi xuống cạnh cô. " Điều mà tôi sắp nói với anh đây sẽ không dễ nghe và thật khó chấp nhận, nhưng nếu anh vui lòng nghe câu chuyện của tôi, nếu anh vui lòng dành cho tôi sự tin cậy thì có thể cuối cùng anh sẽ tin tôi và điều đó rất quan trọng, bởi vỉ dù anh không hề ngờ tới, anh là người duy nhất trên đời mà tôi có thể chia sẻ bí mật này" Arthur hiểu rằng không còn cách nào khác, anh sẽ phải nghe điều mà cô gái này muốn nói với anh, và mặc dù mong muốn duy nhất của anh lúc này là được ngủ, anh vẫn ngồi xuống bên cô và nghe câu chuyện khó tin nhất mà anh từng được nghe trong đời.


LINK: http://www.wattpad.com/98266-N-u-em-kh-ng-ph-i-l-m-t-gi-c-m-Marc-Levy?p=9

Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2009

Tản mạn nhân suy nghĩ về những phẩm chất Nho giáo tiên Tần

Khác các học thuyết triết học phương Tây, triết học phương Đông nói chung và đặc biệt là Nho giáo nói riêng, luôn xem xét con người trong tổng hoà các mối quan hệ xã hội. Ở Nho giáo, chúng ta thấy không có một con người cá nhân, một cái tôi tách khỏi xã hội.

Xét trong mọi mối quan hệ, Nho giáo (mà Khổng Tử là đại diện tiêu biểu nhất - người mà 2500 năm trước đã được mệnh danh là VẠN THẾ SƯ BIỂU) yêu cầu mỗi cá nhân phải lấy mình làm mốc mà yêu cầu đối với người. Và đúng như lời nhận định: “Nhân, nghĩa, lễ, trí, hiếu, đễ, trung, tín là những phẩm chất do Nho giáo trước Tần đề xuất, tất nhiên khó tránh khỏi mang dấu ấn thời đại và giai cấp. Tuy nhiên, về cơ bản, nhìn chung những phẩm chất ấy cũng có những giá trị vượt thời đại và mang tính phổ quát toàn nhân loại”. Thật vậy, khi Nho giáo cung cấp được một hệ tư tưởng lấy kỷ cương và phục tùng làm gốc thì điều đó đáp ứng được một trong những yêu cầu cơ bản của hiện đại hoá. Nhất là khi Nho giáo giúp cho mỗi người biến kỷ cương và phục tùng thành một ý thức tự giác của cá nhân mà không phải do áp đặt từ bên ngoài thì nó cũng rất cần thiết. Căn cứ vào việc phân tích bốn phẩm chất lễ, hiếu, đễ, trung, chúng ta sẽ thấy rõ đặc điểm này.

Theo quan niệm Nho giáo, mọi người trong xã hội đều bị trói buộc bởi năm mối quan hệ tự nhiên đó là: cha – con, vợ - chồng, anh – em, vua – tôi, bạn – bè. Năm mối quan hệ này phản ánh hai mặt của cuộc sống hiện thực là quan hệ gia đình và quan hệ xã hội.

Trong gia đình, mỗi người phải biết giữ gìn và tuân theo lễ. Vì lễ nên giữ được hoà khí, trong nhà chẳng ai ghét, trong xã hội chẳng ai oán mình. Trong việc lễ, quý nhất là ở lòng thành, tín thực với thân thuộc chứ không phải ở hình thức xa hoa, loè loẹt. Khắc kỷ, phục lễ chính là người nhân.

Nho giáo cũng khẳng định nếu xây dựng được một gia đình hoà thuận, con cái biết hiếu đễ, cha mẹ biết từ nhượng thì đó cũng là làm chính trị rồi (do đó làm chính trị không cứ là phải ra làm quan). Như vậy, ngoài lễ, con người còn cần phải hiếu và đễ. Hiếu là cái đạo đối với phụ mẫu (thờ cha mẹ lúc chết cũng như sống, lúc cha mẹ mất mà tưởng như hãy còn), đễ là cái đạo đối với anh chị em (mỗi người phải ăn ở đúng phận mình, anh ra anh, em ra em). Theo Nho giáo, hiếu đễ là đầu mối của lòng nhân.

Nho giáo quan niệm gia đình như cái nước nhỏ, có vị trí quan trọng trong sự ổn định của xã hội. Vì vậy những hành vi ứng xử và giao tiếp của mỗi thành viên trong gia đình được quy định rất chặt chẽ, phụ thuộc danh phận từng người. Những quy định này, nếu loại bỏ yếu tố bảo thủ, mất dân chủ thì cho đến nay vẫn còn giá trị.
Ở một mặt nào đó có thể nói rằng những tư tưởng trên của Nho giáo phù hợp với cương lĩnh xây dựng đất nước của chúng ta. Chúng ta coi “gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng trong giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách”. Gia đình có vai trò quan trọng trong việc xây dựng thành công nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự tốt xấu của mỗi gia đình đều ảnh hưởng tới sự ổn định của xã hội, sự chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch hoá sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang tiến hành.

Từ lễ, hiếu, đễ trong quan hệ gia đình, con người mở rộng mối quan hệ ra ngoài xã hội. Và phẩm chất đầu tiên của con người (đặc biệt là người quân tử) được Nho giáo đề cao chính là trung. Vì trung nên giao du với bằng hữu thì hết lòng, làm việc cho người thì hết dạ. Nhưng cái trung đó không phải là lòng trung máy móc và thiển cận (ngu trung). Bậc quân tử ngay cả lúc phụng sự vua đâu phải vì cá nhân nhà vua, là chính là vì lẽ ĐẠO. Nếu vua mà vô đạo thì không cần trung.

Một ví dụ điển hình là ở Nhật Bản, không phải chữ nhân mà chính chữ trung được coi là trung tâm. Trước kia trung thể hiện ở sự trung thành đối với thiên hoàng thì bây giờ trung trước hết là lòng trung thành với sự nghiệp hiện đại hoá do thiên hoàng khởi xướng. Chữ trung được hiện đại hoá là như thế. Hơn nữa trung với tư cách một khái niệm luân lý giờ lại gắn với trung với tư cách đạo lý chủ yếu của Khổng giáo. Mặt khác trung được gắn với thiên mệnh (mà biết đến mệnh trời là đạt đến đỉnh đạo lý cao nhất). Như thế, cả luân lý và đạo lý Nho giáo đều có tác dụng trong tiến trình hiện đại hoá - một tiến trình đòi hỏi kỷ cương và sự phục tùng cao.

Tóm lại, thực tế những lý tưởng nhân đạo, khát vọng hoà bình của Nho giáo là “những tri thức rất cơ bản, làm cơ sở cho việc giải quyết các vấn đề ngày nay nhiều người quan tâm, liên quan đến con đường phát triển của xã hội ta” (Trần Đình Hượu - “Nho giáo đã trở thành vấn đề như thế nào với nước Việt Nam ngày nay” – Văn hoá và đời sống, tr11 - TP HCM, 1992), là lý tưởng và khát vọng của chúng ta hiện nay. Mặc dù bị hạn chế về lịch sử song một số tư tưởng cũng như biện pháp mà Nho giáo đề ra cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Cũng giống như Nho giáo, hiện nay chúng ta đã và đang ra sức phấn đấu cho một thế giới hoà bình, cho sự bình đẳng của mọi dân tộc trên toàn thế giới. Bởi vậy nên việc kế thừa các tư tưởng nhân văn trong ứng xử và giao tiếp giữa người với người của Nho giáo là một việc làm hết sức cần
thiết.

PHẠM THỊ MINH TÂM, (04.2007)
---

Năm 2008, đến Phương Mai thăm bác Lan. Bác chỉ tay lên tường nói:
- Tâm, đọc cho bác dòng chữ này
Mò mẫm, lục lọi trong trí nhớ một hồi (cùng với sự trợ giúp của bác), tôi đã đọc ra dòng chữ đó, viết rất đẹp theo lối thư pháp: VÔ SƯ TRI VI TÔN.
Đọc xong rồi, bác bắt tôi dịch. Ngay từ đầu, tôi nhớ thẳng đến câu tục ngữ Việt Nam: KHÔNG THẦY ĐỐ MÀY LÀM NÊN.
Thế nhưng, ý nghĩa của câu thành ngữ chữ Hán này hoàn toàn khác và sâu xa hơn nhiều: TRI THỨC TỰ MÌNH TÌM HIỂU, KHÔNG NHỜ TỚI SỰ TRỢ GIÚP CỦA NGƯỜI THẦY LÀ ĐÁNG ĐƯỢC ĐỀ CAO NHẤT.
Tôi thích nhất 2 chữ: TRÍ và HÒA trong Hán tự. Chép lại vào đây 1 bài viết nhỏ:


THIẾU NỮ ĐÁNH CỜ VÂY - SƠN TÁP
- Cuộc đời là một vòng luẩn quẩn, ngày hôm kia gắn với hôm nay để xua đuổi hôm qua. Chúng ta tưởng mình sẽ tiến lên trong thời gian nhưng thực ra vẫn là tù nhân của quá khứ! (SƠN TÁP)

- Người lính là kẻ huỷ hoại hạnh phúc của những người thân. Nếu cuộc sống của tôi là có ích, chắc Tổ quốc phải chịu ơn sự hy sinh của một người đàn bà. (SƠN TÁP)

Mình yêu những trang văn nhẹ nhàng mà tinh tế của Sơn Táp. Mình say mê, đắm chìm vào cuộc khám phá những góc, nẻo tâm hồn chàng sỹ quan người Nhật trong câu chuyện tình đẹp mà bi thảm này.

Cả câu chuyện là một cuộc đối đầu, đối thoại, tìm kiếm. Những trang sách giống như một bàn cờ vây mà trong đó mỗi tình tiết là một nước đi.

Hai nhân vật chính là hai người chơi. Trong cuộc chơi này, cái họ kiếm tìm không phải men say chiến thắng mà là sự giải mã tâm hồn người đối diện.

Họ song song tồn tại suốt gần ba trăm trang chuyện. Ngay cả khi gắn kết nhau bởi một tình yêu chân thành, giữa họ vẫn là cả bức tường thành ngăn cách.

Thì ra là thế! Cuộc đời con người là một hành trình dài trải nghiệm và tìm kiếm. Sẽ có câu trả lời nhưng không bao giờ trọn vẹn.

Mình nhớ hồi năm thứ nhất Đại học, khi học văn học Nhật Bản, cô giáo trẻ - TS Nguyễn Mai Liên đã nhắc tới khu vườn đá nổi tiếng, một thắng cảnh của xứ sở mặt trời mọc. Trong khu vườn ấy có bày 100 phiến đá. Điều đặc biệt là dù đứng ở bất kỳ vị trí nào, du khách cũng chỉ đếm được 99 viên. Ý nghĩa ở đây là gì? (Hẳn tư duy người Nhật sẽ đưa nhiều cách biện giải. Còn riêng mình nghiêng về khía cạnh “bất thập toàn trong thế giới quan, nhân sinh quan”).

Mình rất yêu chữ HOÀ. Ai đã từng nói câu Cái đẹp là sự hài hoà. Thật là một triết lý tuyệt vời. Đơn giản mà sâu sắc! Trong lối sống, theo mình, HOÀ khác hẳn với TRUNG DUNG - lối sống ở ngã ba đường (“ba phải” theo cách nói dân gian Việt Nam) cốt đạt được sự yên ấm cho cá nhân bản thân (mà nòng cốt là quan điểm: dĩ hòa vi quí) (bất giác nhớ tới từ SELFFISH trong Anh ngữ).
---

Tôi không ủng hộ quan điểm DĨ HÒA VI QUÍ. Nhưng tôi vẫn yêu chữ HÒA, xét trên một phương diện khác. HOÀ là dung hoà, tương hợp (biết lấy thế mạnh của mình tôn cái xung quanh, lấy cái xung quanh bổ khuyết cho hạn chế của mình để cùng vươn tới cái đẹp CHÂN - THIỆN - MỸ). Nhưng sống làm HOÀ khó lắm. Đẹp bởi HOÀ lại càng khó hơn…



TƯ LIỆU: http://vn.myblog.yahoo.com/minhtam060284/article?mid=1