Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2011

SỰ VẬN ĐỘNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA THƠ NÔM ĐƯỜNG LUẬT

Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ ba: Việt Nam - hội nhập và phát triển
Hà Nội, 4 - 7 tháng 12 năm 2008
ĐHQGHN - Viện KHXH VN

VNH3.TB12.271

SỰ VẬN ĐỘNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA THƠ NÔM ĐƯỜNG LUẬT THEO HƯỚNG KẾ THỪA, TIẾP BIẾN VÀ SÁNG TẠO VỚI ĐƯỜNG LUẬT HÁN TRÊN TINH THẦN DÂN TỘC HÓA, DÂN CHỦ HÓA THỂ LOẠI

TS. Trần Quang Dũng
Trường Đại học Hồng Đức, Thanh Hóa

--- --- --- --- --- --- --- --- ---



Sự xuất hiện văn học chữ Nôm nói chung và thơ Nôm Đường luật nói riêng là bước nhảy vọt của quá trình văn học, đồng thời thể hiện tinh thần tự lập, tự cường về mặt văn hóa của dân tộc Việt trong tương quan với văn hóa, văn học Trung Quốc. Điều khẳng định này được thể hiện qua sự vận động và phát triển của dòng thơ Nôm Đường luật thời trung đại theo hướng: Vừa kế thừa Đường luật Hán, vừa tiếp biến và sáng tạo theo tinh thần dân tộc hóa, dân chủ hóa thể loại.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Có trước trong nền văn học thành văn ở nước ta là văn học viết bằng chữ Hán, thành dòng từ thế kỷ X, do tầng lớp trí thức phong kiến dùng chữ Hán để viết tác phẩm, và hầu hết được viết theo các thể loại văn học Trung Quốc. Văn học chữ Hán, trong đó có Đường luật Hán (ĐLH) có phạm vi đề tài rất rộng, từ những vấn đề chung của dân tộc đến vấn đề riêng của con người; vừa giàu tinh thần nhân đạo, vừa rất phong phú về chủ nghĩa yêu nước. Song, vì viết bằng chữ Hán nên những tác phẩm này bị hạn chế khi cần phản ánh hiện thực sinh động và cụ thể của đất nước Việt, tâm tư sâu sa, thầm kín của con người Việt. Đây là một thực tế bức xúc của nền văn học viết dân tộc, là một đòi hỏi thiết thực trong xu thế tiến lên của xã hội, của nhu cầu giao lưu văn hóa – văn học và thưởng thức thẩm mỹ, là “khoảng trống” mà văn học viết chữ Hán không thể lấp đầy. Đó là những tiền đề và động lực quan trọng cho sự ra đời dòng văn học viết tiếng Việt (văn học viết bằng chữ Nôm) vào cuối thế kỷ XIII, trong đó có Thơ Nôm Đường luật (TNĐL).

Sự xuất hiện văn học chữ Nôm nói chung và TNĐL nói riêng là bước nhảy vọt của quá trình văn học, đồng thời thể hiện tinh thần tự lập, tự cường về mặt văn hóa của dân tộc Việt trong tương quan với nền văn hóa, văn học Hán. “Đối với một dân tộc, trên con đường tiến lên của lịch sử nói chung, của nền văn hóa nói riêng, bao giờ sự xuất hiện của văn tự cũng được coi như là một cái mốc có tầm quan trọng đáng kể và có tác dụng khá quyết định. Đặc biệt, nếu đó là một nền văn tự chuyên dùng để ghi tiếng nói dân tộc thì lại càng có ý nghĩa”.


II. NHỮNG VẤN ĐỀ NỘI DUNG

Trong lịch sử văn học Việt Nam, TNĐL là một hiện tượng vừa tiêu biểu, vừa độc đáo. Tiêu biểu ở chỗ nó phản ánh những điều kiện, bản chất, quy luật của quá trình giao lưu tiếp nhận văn học. Độc đáo bởi TNĐL tuy mô phỏng thể thơ ngoại lai (ĐLH) nhưng lại có vị trí đáng kể bên cạnh các thể thơ dân tộc. Vì thế, TNĐL được nghiêu cứu khá sớm. Tuy nhiên, ý thức về TNĐL như một thể loại văn học và nghiên cứu nó từ góc độ thể loại chỉ bắt đầu từ những năm bảy mươi của thế kỷ trước.

Các công trình nghiên cứu tiêu biểu về TNĐL đều chỉ ra sự vận động và phát triển của TNĐL theo hai xu hướng chính: Vừa kế thừa, tiếp biến thơ ĐLH, vừa có những tìm tòi, sáng tạo trên cả bình diện nội dung và hình thức nghệ thuật để khẳng định bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, trong giới hạn của một viết, ở đây chúng tôi chủ yếu đi sâu tìm hiểu sự vận động và phát triển của hệ thống đề tài, chủ đề TNĐL trong tương quan với ĐLH trên tinh thần dân chủ hóa, dân tộc hóa thể loại, từ đó mở ra những trường mỹ cảm mới, hợp với tâm thức cảm nhận của người Việt.

1. Sự kế thừa và tương đồng Đường luật Hán trên phương diện hệ thống đề tài, chủ đề của thơ Nôm Đường luật

Đã là thơ Đường luật, công thức chung của nó, như các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, là “sự thể hiện mô hình vũ trụ”, theo quan niệm của người Trung Quốc thời trung đại. Mô hình này tạo nên bởi những mối quan hệ, và bao trùm là mối quan hệ thống nhất giữa các mặt đối lập, giữa sự vĩnh hằng và sự thay đổi. “Sở dĩ thơ Đường trở thành phong cách là vì nó phát hiện ra sự thống nhất giữa con người với vũ trụ và khẳng định tính bất biến của những quy luật của vũ trụ đối lập lại mọi sự thay đổi nhất thời của con người”. Và “Mỗi thể thơ có một nội dung riêng của chính nó không lặp lại ở các thể thơ khác. Ví dụ nội dung của thơ bát cú Đường luật là gì? Nó là ở chỗ khẳng định một sự bất biến mà con người phát hiện ra...”. Vì thế, dẫu là người Trung Quốc hay Việt Nam đã đặt bút làm thơ Đường luật thường có những nét tương đồng về tư tưởng nói chung và tư tưởng, cảm xúc văn học nói riêng.

Xuất hiện sau ĐLH và chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền văn hóa, văn học Trung Quốc, chúng ta không phủ nhận sự ảnh hưởng và kế thừa thơ ca Trung Quốc, thơ ĐLH của Đường luật Nôm, mà trước hết ở hệ thống đề tài, chủ đề mang tính ước lệ, điển phạm như: Vịnh năm canh, bốn mùa, mười hai tháng theo cái lẽ tuần hoàn của triết lý cổ phương Đông trong “Kinh Dịch”; vịnh tứ thú (ngư tiều canh mục), tứ khoái (phong hoa tuyết nguyệt, cầm kỳ thi tửu) nhằm bộc lộ cái thú thưởng ngoạn của bậc trí nhân quân tử và ngụ cho mỹ đức của cá nhân mình; vịnh đạo Cương thường theo giáo lý Khổng Mạnh “Quân tử chi chí ư đạo dã, bất thành chương bất đạt" - Tận tâm hạ) trong các quan hệ ứng xử và rèn luyện các phẩm chất nhân, nghĩa, lễ, trí, tín; vịnh nhân vật lịch sử (nhất là các nhân vật Bắc sử) gắn với thái độ tôn sùng cổ nhân và mục đích giáo hóa... Ngoài ra, các nội dung khác của tư tưởng Nho giáo như đạo “trung dung”, “triết lý mệnh trời”, các quan niệm sống “an bần lạc đạo”, “dĩ hòa vi quý”... cũng được đề cập nhiều trong cảm hứng vịnh đề của các nhà TNĐL. Chẳng hạn:

Ở thế đừng tranh đấng trượng phu
Làm chi cho có sự đôi co
Đấy cậy đấy khôn, đây chẳng chịu
Đây rằng đây phải, đấy chẳng thua
Duật nọ mựa còn đua với bạng
Lươn kia hầu dễ kém chi cò
Chữ rằng “Nhân dĩ hòa vi quý”
Vô sự thì hơn, kẻo phải lo

(Bạch Vân quốc ngữ thi tập – Bài 72)
v.v...

Dễ thấy cái “khuôn” đề tài, chủ đề của thơ Đường luật (kể cả Nôm và Hán), nhìn chung là theo tinh thần đạo lý Nho giáo, và người cầm bút thường dùng khuôn phép định sẵn viết về những nội dung kinh điển. Thơ ấy vốn trọng nội dung (đạo lý) hơn hình thức, vì thế mọi sự tìm tòi về hình thức chỉ còn là sự gọt rũa, gò gẫm, dẫn đến sự hoa mỹ, cầu kỳ. “Thể loại thành khuôn khổ, Nghệ thuật chỉ là kỹ xảo". Vì thế, sở dĩ có sự tương đồng trong việc lựa chọn đề tài, chủ đề giữa ĐLH và Đường luật Nôm cũng là điều dễ hiểu và được tạo bởi các nguyên nhân chủ yếu sau đây:

- Do sự tương đồng về tư tưởng nói chung và tư tưởng văn học nói riêng ở người cầm bút. Sự tương đồng này có được hoặc do nguồn gốc bản địa hoặc do tiếp thu, kể cả do áp lực từ phía ngoại bang.

- Do sự ảnh hưởng trực tiếp của hệ tưởng Nho giáo trong quan niệm về thế giới, xã hội, văn học, con người, về lý tưởng, cái đẹp, cái hay...

- Do kiểu tác giả văn học trung đại quy định: “Ý thức công thức, khuôn sáo làm cho kiểu tác giả này rất khó sử dụng các chi tiết đời sống mới và các chi tiết nghệ thuật bất ngờ” ( ).

- Do tính quy phạm của thơ luật quy định: Tối kị lối tả chân, thiên về gợi và mang nghĩa hàm ẩn. Vì thế, thơ ấy thường sử dụng các biểu tượng nghệ thuật đã thành công thức, các thể tài đã định hình để biểu đạt nội dung, ý nghĩa.

Xét ra, văn chương nào mà chẳng mang tính ước lệ. Hơn thế, sự ảnh hưởng của tư tưởng, văn hóa, văn học Trung Quốc là một quy luật có ý nghĩa “sinh tồn” trong lịch sử phát triển nền văn học dân tộc. Để rồi “Từ vay mượn thơ ca Việt Nam sẽ tách dần khỏi sự ảnh hưởng Trung Hoa (...) mà đó là cuộc vật lộn trầy da sẩy trán trong hàng nghìn năm, chứ không phải một ngày, hai ngày là đạt ngay được. Có thấm thía cuộc vật lộn lâu dài ấy mới biết quý từng cái mốc của thơ ca Việt Nam...”.

2. Sự tiếp biến và sáng tạo của hệ thống đề tài, chủ đề thơ Nôm Đường luật trong tương quan với Đường luật Hán

Đồng thời với quá trình kế thừa, tiếp nối ĐLH, hệ thống đề tài, chủ đề TNĐL còn thực hiện quá trình cách tân và sáng tạo theo xu hướng dân chủ hóa, dân tộc hóa thể loại. Nói cách khác, phần cách tân, sáng tạo của TNĐL trong tương quan với ĐLH, suy tới cùng chính là kết quả của sự trưởng thành của ý thức dân tộc. Bởi, một khi ý thức dân tộc chưa trưởng thành, trong giao lưu với nước ngoài, chỉ có thể dẫn tới một trong hai khả năng: hoặc là tìm cách để “đóng cửa”, hoặc là bắt chước, rập khuôn một cách thụ động để rồi bị đồng hóa. Sự ra đời và quá trình vận động, phát triển của dòng TNĐL không rơi vào một trong hai khả năng trên, mà từng bước khẳng định vị thế của mình với tư cách là một thể loại văn học dân tộc.

Qua khảo sát và nghiên cứu, xu hướng dân chủ hóa, dân tộc hóa của hệ thống đề tài, chủ đề TNĐL được thể hiện chủ yếu trên các bình diện sau:

• Thứ nhất, TNĐL đã nhân thêm và mở rộng các tiểu loại đề tài chủ đề khuôn sáo, ước lệ của Đường luật Hán nhằm hạn chế sự đơn điệu, lặp lại, tìm đến những cách biểu hiện riêng, thể hiện một cách nhìn tinh tế, và cách tả cũng tinh tế qua trí tưởng tượng dồi dào.

Chẳng hạn, trong Hồng Đức quốc âm thi tập - tập thơ được xem là tiêu biểu bậc nhất cho văn chương cung đình nửa sau thế kỷ XV - khi vịnh Mai, có: Mai thụ, Lão mai, Tảo mai, Thủy trung mai; về Hoa có: Giải ngữ hoa, Chỉ hoa, Hoa ảnh, Cúc hoa, Họa mai, Đăng hoa... Về Trăng, có: Trăng non, Bỡn trăng, Trời thu trăng sáng, Cây quế trong trăng, Hằng Nga Nguyệt, v,v...

Một ví dụ về bài Họa vần bài vịnh trăng 10:

Cày cạy nàng nào khéo hữu tình,
Mặt làu làu, vóc nhỏ thanh thanh.
Tròn tròn, méo méo in đòi thuở,
Xuống xuống, lên lên suốt mấy canh.
Tháng tháng liếc qua lầu đỏ đỏ,
Đêm đêm liền tới trướng xanh xanh,
Yêu yêu, dấu dấu đàn ai gảy,
Tính tính, tình tình tính tính tinh

(Hồng Đức quốc âm thi tập)

Một loạt các từ láy sóng đôi đứng cạnh nhau, và đó là những từ láy tượng hình, miêu tả các tư thế, dáng vẻ của trăng lung linh, biến hóa, với một giọng điệu trào tiếu thật hóm và một cái nhìn thật tinh khiến người đọc không thể không liên tưởng đến cái ẩn ý đa nghĩa của hình tượng trăng kia. Hóa ra, cái “khuôn cả” trên kia trong cảm hứng vịnh đề của các tác gia Hồng Đức đâu chỉ là hình ảnh tượng trưng cho ngôi báu của bậc chí tôn mà còn là sự hiện thân của vẻ đẹp và sức sống trần tục đầy ma lực của người thiếu nữ. Rõ ràng, trong trường hợp này, cái khuôn công thức đề tài phong hoa tuyết nguyệt của Đường luật chỉ còn đóng vai trò gợi ý, nhường chỗ cho cảm xúc của người cầm bút thăng hoa, mà nếu không phải là những tài thơ thực sự thì khó có thể sáng tạo được những hình tượng thơ biến hóa và đa dạng như vậy.

• Thứ hai, hệ thống đề tài chủ đề TNĐL xuất hiện xu hướng phá bỏ dần tập quán tư duy nghệ thuật của thơ Đường luật, đem đến một năng lực tư duy nghệ thuật mới, mở ra những trường mỹ cảm độc đáo, bất ngờ.

Tập quán tư duy thơ trung đại, thơ Đường luật nhìn chung là quen nghĩ và phải nghĩ đến những khuôn mẫu nghệ thuật có sẵn, đã thành công thức. Chúng ta không phủ nhận tư duy nghệ thuật này ở các nhà TNĐL trong việc lựa chọn đề tài, chủ đề cho các cuộc vịnh đề, xướng hoạ. Nhưng qua khảo sát, ở một số tiểu loại đề tài, chủ đề Đường luật Nôm đã xuất hiện những biểu tượng nghệ thuật mới bắt nguồn từ cuộc sống đời thường dân dã, in đậm phong cách thời đại và phong cách người cầm bút như: ao bèo, rau muống, lảnh mùng, hàng kê, bầy cá, con lợn, con mèo... trong thơ Nôm Nguyễn Trãi; cây chuối, cây cau, rau cải, quả dưa, khoai, cái rế, cái bếp, cái cối xay, cái đó, cái nón, con kiến, con, rận... trong thơ Nôm của Lê Thánh Tông và các văn nhân thời Hồng Đức. Đặc biệt, với Hồ Xuân Hương, biểu tượng nghệ thuật trong thơ Nôm của bà đã trút bỏ hoàn toàn những khuôn mẫu có sẵn của thơ luật, những giáo điều trung cổ để tìm đến những biểu tượng thông tục của đời sống, thể hiện một vẻ đẹp tư nhiên, bản năng lành mạnh của con người. Chẳng hạn, là Cái quạt “Chành ra ba góc da còn thiếu – Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa”, Quả mít: “Quân tử có yêu thì đóng cọc – Xin đừng mân mó nhựa ra tay”, là Cây đánh đu: “Chơi xuân đã biết xuân chăng tá - Cột nhổ đi rồi, lỗ bỏ không”, Đèo Ba Dội: “Hiền nhân quân tử ai mà chẳng - Mỏi gối mòn chân vẫn muốn trèo”, Hang Cắc Cớ: “Khen ai đẽo đá tài xuyên tạc – Khéo hớ hênh ra lắm kẻ dòm” v.v... Có thể khẳng định vẻ đẹp trần thế và khát vọng ái ân của người phụ nữ trong cuộc sống hôn nhân đã trở thành “mẫu số chung” cho những sáng tạo biểu tượng nghệ thuật thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Đến Hồ Xuân Hương, TNĐL đã thực hiện một cuộc cách tân đầy ý nghĩa, “thể thơ Đường luật đã xa phong cách trữ tình trang nghiêm “cao quý” để đi thẳng vào cuộc sống đời thường, góc cạnh, chua xót, kịch liệt – nhưng đó là cuộc sống đích thực, không chỉ là dân tộc mà còn hết sức dân dã”.

Từ Hồ Xuân Hương đến Nguyễn Khuyễn, Tú Xương, TNĐL tiếp tục làm cuộc cách tân theo xu hướng dân tộc hóa, xã hội hóa về phương diện đề tài, chủ đề. Mặc dù vẫn còn giới hạn trong chức năng phản ánh xã hội qua “trữ tình thế sự”, “trào phúng thế sự” nhưng cả Nguyễn Khuyến và Tú Xương đều cố gắng vượt ra ngoài những giới hạn đó để phản ánh đời sống với những chi tiết hiện thực, sinh động. Có lẽ, trong các nhà TNĐL khó có nhà thơ nào viết nhiều, viết đúng và viết hay về làng quê như Nguyễn Khuyến. Và cũng không ai bằng Tú Xương với những bức ký họa chân thực và sinh động về xã hội thực dân phong kiến ở thành Nam. Vì thế, từ góc độ phản ánh hiện thực xã hội, có thể thấy thơ Nôm Nguyễn Khuyến và Tú Xương là bức tranh toàn cảnh về nông thôn và thành thị Việt Nam vùng đồng bằng Bắc Bộ nửa sau thế kỷ XIX.

• Thứ ba
, trong việc lựa chọn đề tài, cách thể hiện chủ đề của TNĐL đã có sự kết hợp hài hòa giữa những yếu tố tích cực của tư tưởng Nho giáo với tinh hoa dân tộc và tinh thần thời đại.

Như đã nói, một trong những biểu hiện mang tính ước lệ, điển phạm của hệ thống đề tài, chủ đề thơ Đường luật là do sự chi phối trực tiếp của hệ tư tưởng Nho giáo. Có điều là, tư tưởng Nho giáo và tinh thần thần dân tộc, tư tưởng thời đại và truyền thống nhân dân trong cảm xúc vịnh đề của các nhà thơ Nôm không mâu thuẫn, đối lập nhau mà có sự hoà đồng, xuyên thấm, tạo ra một quan niệm thẩm mỹ mới trong thưởng ngoạn thiên nhiên phong vật, trong cảm nhận, đánh giá lịch sử cũng như cuộc sống, xã hội và con người.

Chẳng hạn, ở đề tài triết lý nhân sinh, răn dạy đạo lý - một đề tài có vị trí quan trọng của văn chương nhà Nho – nhưng trong Đường luật Nôm lại thật đậm tinh thần dân tộc và truyền thống đạo lý nhân dân. Ví như, khi Dạy con trai, Nguyễn Trãi đã không lấy “đạo thờ cha”, “đạo làm con” của Nho giáo làm lời răn mà lại lấy những bài học vốn có trong dân gian về đức cần, đức kiệm để khuyên nhủ một cách ân tình:

Áo mặc miễn là cho cật ấm,
Cơm ăn chẳng lọ kén mùi ngon.
Xưa đà có câu truyền bảo,
Làm biếng hay ăn lở non.
(Quốc âm thi tập).

Các tác gia Hồng Đức cũng tiếp tục tinh thần ấy của Nguyễn Trãi, của truyền thống dân tộc:

Lỗ kiến nên sông bởi kiến đùn,
Chừa dần dần mới biết hầu khôn.
Ngày ngày gội tắm nhơ đâu bén,
Tháng tháng dùi mài đá ắt mòn.

(Hồng Đức quốc âm thi tập - Giáo tử)

Chúng ta không thể phủ nhận các tác gia Hồng Đức là môn đồ của Khổng Mạnh vào thời thịnh trị nhất của hệ tư tưởng Nho giáo, vì thế những lời răn giới, triết lý phần nhiều hướng vào tô đậm đạo nho để khẳng định vai trò quốc giáo. Nhưng cũng không thể phủ nhận, trong một số trường hợp, với tư cách là trí thức dân tộc, các tác gia đã hướng nội dung và mục đích giáo huấn vào việc hoàn thiện nhân cách con người theo đạo lý truyền thống nhân dân.Vì thế, xét mục đích cũng như đối tượng truyền đạt, dễ thấy đề tài triết lý nhân sinh, răn dạy đạo lý trong TNĐL đã có sự kết hợp hài hòa những yếu tố tích cực của Nho giáo với những tinh hoa dân tộc và thời đại, góp phần xây dựng nhân cách con người Việt Nam. Cho nên, xu hướng dân tộc hóa thể loại của TNĐL so với ĐLH là khá rõ.

• Thứ tư, đã xuất hiện cảm hứng trào lộng, hé mở nỗi niềm riêng của người làm thơ trong hệ thống đề tài, chủ đề TNĐL

Cảm hứng trào lộng vốn đã có trong thơ ĐLH nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ của đạo Nho. Cho nên, tiếng cười nếu có xuất hiện cũng có chừng mực, không được thái quá; nhất là cái tà, cái dâm, cái tục là những điều tối kỵ trong văn chương nhà nho. TNĐL thì có khác, ngay từ khi mới xuất hiện, cảm hứng trào lộng gần với bút pháp trào phúng của văn học dân gian đã có trong thơ Nôm Lê Thánh Tông và các văn nhân thời Hồng Đức:

Gò nổi xương trâu rêu lún phún,
Bãi lè lưỡi bạng bọt lăm tăm.
Chan chan thuyền khách sào chưa nhổ,
Sình sịch chài ai cọc hay cằm.

(Hồng Đức quốc âm thi tập – Kênh Trầm)

Có tục nhưng không thô, vẫn chừng mực, kín đáo. Đúng hơn, đó chỉ là nét trào tiếu nhẹ nhàng, mang tính chất “thư giãn”, tạo không khí gần gũi, cởi mở trong quan hệ vua tôi của thế hệ “dấn thân yêu đời”, không thấy dấu hiệu của sự phóng đãng, thiếu trang nhã.

Đến thơ Nôm của Nguyễn Bỉnh Khiêm thì đã khác. Cảm hứng trào lộng đã trở thành tiếng nói phê phán, tố cáo xã hội và giàu ý vị thâm trầm của một “phong cách triết gia”: Thớt có tanh tao ruồi đậu đến - Ang không mật mỡ kiến kiến bỏ chi” (Bạch Vân quốc ngữ thi tập – Bài 53), hoặc: “Có thuở được thời mèo đuổi chuột - Đến khi thất thế kiến tha bò” (Bạch Vân quốc ngữ thi tập – Bài 81), v.v... Với Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, cảm hứng trào lộng đã gắn với những chức mới: Trực tiếp tố cáo các “loại sản phẩm” của thể chế xã hội, và ở các nhà thơ khác nhau, tinh thần trào lộng cũng có những điểm khác nhau, do phong cách thời đại và phong cách tác giả quy định. Chẳng hạn, với Nguyễn Công Trứ, cảm hứng trào lộng in đậm dấu ấn cái “ngông” của một con người bất đắc chí: “Ai say ai tỉnh ai thua được - Ta mặc ta mà ai mặc ai” (Cầm kỳ thi tửu); với Hồ Xuân Hương, cảm hứng trào lộng lại được sử dụng như chiếc “đòn xeo” đâm toạc bộ mặt giả dối, làm hiện nguyên hình lũ người bịp bợm, lừa người, dối đời, thuộc đủ loại đẳng cấp người trong xã hội: Từ minh quân lương tướng “Chúa dấu vua yêu một cái này”, hiền nhân quân tử “dùng dằng đi chẳng dứt” đến lũ sư hổ mang trọc đầu: “Vãi núp sau lưng sáu bảy bà”,v.v...Tinh thần trào lộng với Nguyễn Khuyến lại không “đao to búa lớn” mà thâm trầm, kín đáo, dù là khi nhà thơ tự cười mình hay chế giễu cái xấu xa của cuộc đời, nhưng có lúc cũng tỏ ra độc địa không kém: “Ba vuông phất phới cờ bay dọc - Một bức tung hoành váy xắn ngang” (Lấy Tây); còn với Tú Xương, tiếng cười lại mang tính chất “lưỡng tính”: vừa phủ định, vừa khẳng định; vừa trào phúng, vừa trữ tình; vừa cười người, vừa cười mình:

Một trà, một rượu, một đàn bà,
Ba cái lăng nhăng nó hại ta.
Chừa được các gì hay cái nấy,
Có chăng chừa rượu với chừa trà

(Ba cái lăng nhăng)

Tự cười mình mà cũng là giễu người đấy. Đó là tiếng cười “lưỡng tính” - bước phát triển cao của chức năng trào phúng của TNĐL giai đoạn cuối cùng.

• Thứ năm
, trong tương quan với ĐLH, xu hướng vận động và phát triển của hệ thống đề tài, chủ đề TNĐL theo tinh thần dân chủ hóa, dân tộc hóa thể loại còn được thể hiện khi các nhà thơ Nôm đã sử dụng và sáng tạo ra các tiểu loại đề tài, chủ đề bắt nguồn trực tiếp từ hiện thực đời sống xã hội mang đậm bản sắc dân tộc như: Vịnh sử Nam; Người phụ nữ gắn với những bi kịch trong đời sống tình cảm, Cuộc sống hành lạc; Các “loại sản phẩm” của thể chế xã hội... gắn với cảm hứng phê phán, tố cáo. Đây là những đóng góp quan trọng của TNĐL vào tiến trình nền văn học dân tộc.

Dựa vào tư liệu còn lại, các nhà nghiên cứu đã khẳng định thơ vịnh sử có từ thời Trần với những bài thơ chữ Hán vịnh nhân vật Bắc sử của Trần Anh Tông. Đến đầu thế kỷ XV mới có thơ chữ Hán vịnh sử Nam của Lý Tử Tấn (Pháp Vân cổ tự ký). Sang nửa sau thế kỷ XV, thơ vịnh sử đã có bước phát triển mới, đa dạng, toàn diện hơn: có thơ vịnh sử chữ Hán vịnh Bắc sử (Cổ tâm bách vịnh), có thơ chữ Nôm vịnh Nam sử (Hồng Đức quốc âm thi tập). Như vậy, trong tiến trình TNĐL, thơ vịnh sử Nam bằng chữ Nôm được khai mở từ trường thơ Hồng Đức. Đây được xem là một bước tiến mang tính đột phá của TNĐL.

Thơ vịnh sử Nam trong Hồng Đức quốc âm thi tập khá phong phú về tiểu loại, có: Nhân vật lịch sử, truyền thuyết lịch sử và cảnh quan lịch sử. Cảm hứng bao trùm đề tài này là cảm hứng yêu nước và lòng tự hào dân tộc:

Rửa không thay thảy thằng Ngô dại,
Dịa mọi lâng lâng khách Việt hầu.
Nọ đỉnh Thái Sơn rành rạch đó,
Nào hồn Ô Mã lạc loài đâu?

(Bạch Đằng giang)

Xét riêng ở đề tài vịnh nhân vật Nam sử cũng vậy. Cảm hứng về đất nước, về dân tộc là cảm hứng chủ đạo tạo nên vẻ đẹp của các hình tượng nhân vật lịch sử Việt Nam trong Hồng Đức quốc âm thi tập:

Nghe tiếng Hùng Vương bèn nảy việc,
Mảng danh nghịch tặc đã kinh hồn.
Vợt vàng, ngựa sắt hằng di để,
Làng Gióng, Non Trâu miếu hãy còn.

(Xung Thiên thần vương)

Điều đáng chú ý là khi vịnh nhân vật lịch sử Việt Nam, các tác gia Hồng Đức đã khai thác từ hai nguồn chất liệu: Lịch sử huyền thoại (Thánh Gióng, Chử Đồng Tử...) và lịch sử hiện thực (Trưng Vương, Triệu Ẩu, Lê Du...); vừa có hình ảnh người anh hùng trong quá khứ gắn với lịch sử dựng nước và giữ nước, vừa có hình ảnh người anh hùng và danh nhân văn hóa trong hiện tại (Nguyễn Trực, Lương Thế Vinh...). Cách đánh giá và bình phẩm về lịch sử dân tộc của các nhà thơ, vì thế khá toàn diện và thống nhất. Đặc biệt, trong khi xu hướng chung cả thơ vịnh sử là phục cổ thì việc vịnh các nhân vật lịch sử cùng thời, với các tác gia Hồng Đức đã thể hiện một cách tiếp cận mới về đối tượng phản ánh của TNĐL.

Đề tài, chủ đề vịnh sử Nam trong TNĐL, sau Lê Thánh Tông và các văn nhân thời Hồng Đức còn được tái hiện ở thơ Bà Huyện Thanh Quan và Nguyễn Đình Chiểu..., nhưng với một phong cách có phần khác về nội dung cũng như cách thể hiện. Cụ thể hơn, nếu thơ vịnh sử thời Hồng Đức tràn đầy niềm tự hào về “địa linh nhân kiệt” và được xuất phát từ tinh thần dân tộc thì cảm hứng lịch sử trong thơ Bà Huyện Thanh Quan lại thấm đượm nỗi buồn cô đơn, xót xa, nuối tiếc, với một tâm trạng u hoài, xuất phát từ sự tự ý thức và sự thức tỉnh của ý thức cá nhân. Con người cá nhân nhà thơ đối diện với trường kỳ lịch sử mà cảm nhận tất cả nỗi cô đơn, bé nhỏ của mình:

Ngàn năm gương cũ soi kim cổ
Một mảnh tình riêng ta với ta

(Thăng Long thành hoài cổ)

Cho nên, đến Bà Huyện Thanh Quan, chủ đề vịnh sử của TNĐL không còn giới hạn trong phạm vi cuộc sống và tâm sự tác giả mà đã hướng đến chiếm lĩnh một “thời gian nghệ thuật” dài hơn cũng như một “không gian nghệ thuật” rộng lớn hơn.

Cùng với sự xuất hiện đề tài, chủ đề vịnh sử Nam, đề tài về người phụ nữ gắn với bi kịch trong cuộc sống tình cảm trong TNĐL cũng là một bước tiến mới của dòng thơ tiếng Việt, khơi mở một dòng cảm hứng trữ tình giàu giá trị nhân văn truyền thống. Đề tài, chủ đề này được đặt nền móng từ Hồng Đức quốc âm thi tập và được khẳng định như một thành tựu xuất sắc của Đường luật Nôm ở thơ Nôm Hồ Xuân Hương.

Thật ra trong văn chương trung đại cũng như ĐLH, cái khuôn “nam trung nữ tiết” vốn đã là một đề tài mang tính phổ biến. Vì thế, đã từng tồn tại ý kiến cho rằng: “Đề tài, chủ đề người phụ nữ trong Hồng Đức quốc âm thi tập về căn bản không có gì khác so với trước. Người phụ nữ vẫn được nhìn nhận từ quan điểm phong kiến: Họ khổ đấy, đáng thương đấy nhưng họ là những tấm gương về lòng trung quân tiết liệt” ( ). Nhưng với số lượng 14 bài thơ, phải công nhận rằng ở Hồng Đức quốc âm thi tập, đề tài người phụ nữ đã được quan tâm đặc biệt. Có lẽ đây không chỉ là những sáng tác tùy hứng thông qua hiểu biết trong sách vở mà hẳn phải có một sự cảm thông nhất định đối với phận má hồng. Chẳng hạn, cảnh nàng Mỵ Ê là một cảnh ngộ éo le, nên phải mượn đến “dòng bạc” để giữ tấm kiên trinh; nàng Chiêu Quân lại trở thành vật hy sinh cho quyền lợi vua tôi nhà Hán... Và rất độc đáo, trong Hồng Đức quốc âm thi tập có hai bài thơ cùng viết về một người phụ nữ bình dân xấu số - nàng Vũ Nương:

Cách trở bấy lâu hằng giữ phận,
Hiềm nghi một phút bỗng vô tình.
Hay lòng phó mặc vầng cao thẳm,
Lẻ bóng tìm nơi chốn vẳng thanh...

(Hoàng Giang điếu Vũ Nương)

Cảm thương cho duyên phận Vũ Nương cũng có nghĩa cảm xúc thơ của các tác gia Hồng Đức đã tìm về với nguồn mạch của đạo lý dân tộc trong văn học dân gian, là gián tiếp phủ nhận cái “khuôn vàng thước ngọc” của đạo đức Nho giáo đã ràng cột số phận người phụ nữ vào những “tứ đức”, “tam tòng”. Cho nên, xét về đối tượng phản ánh cũng như cảm xúc trữ tình của bài thơ đã minh chứng cho một bước tiến mới của TNĐL thế kỷ XV khi hướng dần cảm xúc và đề tài về với những vấn đề thiết yếu trong đời sống tình cảm của cá nhân con người. Đây cũng là một trong những tiền đề quan trọng cho những thành tựu xuất sắc về đề tài người phụ nữ trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương.

Có thể nhận thấy, nét hấp dẫn của đề tài người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương không chỉ là “thơ của người phụ nữ viết về giới nữ Việt Nam dưới thời phong kiến” mà còn là những dòng cảm xúc chân thành được viết ra từ chính cuộc đời từng trải của một số phận phụ nữ kém may mắn. Vì thế, thơ bà thường là những lời than thở cho những thiệt thòi, đau khổ của người phụ nữ, nhất là trong chuyện hôn nhân, gia đình. Bà than thân cho mình cũng là than cho bao kẻ cùng cảnh ngộ: “Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại - Mảnh tình san sẻ tí con con” (Than thân); bà bênh vực cho người cũng là bênh vực cho mình: “Tài tử giai nhân ai đó tá – Thân này đâu đã chịu già tom” (Tự tình), v.v... Đặc biệt, thơ Hồ Xuân Hương rất đậm mầu nhục cảm - một nhu cầu, khát vọng - chưa thể có trong thơ Đường luật Hán, trong văn chương chính đạo. Nó như một uẩn ức, bế tắc không giải thoát được trong con người bà, bật lên thành những vần thơ nghịch ngợm, quấy phá, chống đối: “Ví đây đổi phận làm trai được- Thì sự anh hùng há bấy nhiêu” (Đề Đền Sầm Nghi Đống). Vì thế, đế Hồ Xuân Hương, ý thức cá nhân của một cái tôi bản năng đã xuất hiện – đây là một biểu hiện độc đáo của con người cá nhân trong TNĐL.

Cũng thuộc giai đoạn nửa sau thế kỷ XVIII, trong TNĐL còn xuất hiện một đề tài, chủ đề không được xem là văn chương chính thống của văn chương nhà nho: Đề tài hành lạc theo mẫu “nhà nho tài tử” trong thơ Nguyễn Công Trứ.

Ai cũng biết các nhà nho đều nói đến “hành lạc”. “Hành lạc” với các nhà nho đồng nghĩa với những thú chơi thanh tao thuộc nghệ thuật để di dưỡng tính tình như: “Tuyết nguyệt phong hoa xui hứng khách - Cầm kỳ thi tửu gợi lòng người” (Hồng Đức quốc âm thi tập). Nhưng với Nguyễn Công Trứ, “hành lạc” vừa có yếu tố truyền thống, vừa có yếu tố “phi truyền thống” - yếu tố nhục cảm. Không còn là chuyện tiêu dao với thơ rượu địch đàn, mà có cả “yến yến hường hường”, có cả “mắt đi mày lại”, có cả tiếng trống cắc tùng ở nhà các cô đầu, v.v... Nhiều nhà nghiên cứu đã luận bàn về tư tưởng hành lạc của Nguyễn Công Trứ qua thơ văn của ông với nhiều hướng luận giải có phần khác nhau. Ở phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ chú ý tới việc xuất hiện đề tài hành lạc như là dấu hiệu của bước chuyển mới trong nhận thức và phản ánh của TNĐL trong tương quan với ĐLH và văn chương chính đạo.

Giai đoạn cuối cùng của TNĐL xuất hiện nhà thơ Tú Xương gắn với sự ra đời đề tài, chủ đề về các loại “sản phẩm người” của thể chế xã hội thực dân nửa phong kiến.
Thơ Tú Xương được xem như là những bức ký hoạ chân thực về xã hội thực dân phong kiến ở thành thị những năm cuối thế kỷ XIX. Ở đó ta vừa thấy tính chất, đặc điểm, vừa thấy thật cụ thể diện mạo của một xã hội đang có những biến đổi lớn, mà nét nổi bật là sự láo nháo, ô hợp khi lối sống “Tây” đang tấn công vào tam cương ngũ thường và phá huỷ cả truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc, làm xuất hiện các “loại sản phẩm” của thể chế xã hội, từ gia đình: “Nhà kia lối phép con khinh bố - Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng”, đến cửa Phật: “Một thằng trọc tếch ngồi khua mõ - Mấy ả trò xoe đứng múa bông”; một viên cẩm cò: “Hà Nam danh giá nhất ông cò – Trông thấy ai ai chẳng dám ho”, một viên tri phủ: “Chữ y chữ chiểu không phê đến – ông chỉ quen phê một chữ tiền”, đến một ông đốc học: “Ông về đốc học đã bao lâu - Cờ bạc rong chơi rặt một màu”; một tay bịp bợm: “Công nợ bớp bơ hình chúa chổm – Phong lưu đài các giống ông hoàng”, đến một người đi buôn: “Chiều khách quá hơn nhà thổ ế - Đắt hàng như thể mớ tôm tươi”, v.v... Đúng như nhận xét: “Tú Xương có la liệt một cái hàng treo tranh bày tượng, tranh tượng những kẻ rởm đời, những người gian xấu, những danh giá hão, những giá trị vờ...”. Và khác với những nhân vật theo loại trong thơ Hồ Xuân Hương, những nhân vật trong thơ Nôm Tú Xương có khi là những cá nhân riêng, cụ thể - cụ thể đến chi tiết: Đây là nước da của ông Ấm Điềm: “Trông ông mốc thếch như trăn gió - Ông được phong lưu tại nước da”, chi tiết đến cả cái mũi, cái trán của nhà nho giả danh: “Hỏi mãi mới ra thằng bán sắt - Mũi nó gồ gồ, trán nó rô”, v.v... Tuy vẫn còn dè dặt để nói về một chủ nghĩa hiện thực trong thơ Tú Xương, nhưng không thể phủ nhận là nhà thơ đã biết lựa chọn những chi tiết tiêu biểu, điển hình khi phản ánh hiện thực thông qua các loại”sản phẩm người” do thể chế xã hội thành thị thực dân nửa phong kiến đẻ ra. Đây cũng là một một bước tiến nữa của TNĐL trong nghệ thuật phản ánh và xu hướng dân chủ hóa, dân tộc hóa thể loại.

III. KẾT LUẬN

- Đề tài, chủ đề TNĐL trong tương quan với Đường luật Hán rất phong phú, đa dạng và vận động – phát triển theo hai xu hướng: Vừa hướng tới “đồng tâm” với Đường luật Hán, vừa hướng tới “ly tâm” theo tinh thần dân chủ hóa, dân tộc hóa thể loại; từ hướng nhiều vào mục đích “chở đạo”, giáo huấn chuyển dần sang mục đích phản ánh cuộc sống, xã hội, thời đại và số phận con người. Sự thay đổi này đã mở rộng phạm vi phản ánh và khả năng khái quát nghệ thuật của Đường luật Nôm.

- Sự vận động và phát triển của TNĐL trên phương diện hệ thống đề tài, chủ đề mang tính lịch sử, vừa góp phần khu biệt tác giả và thời kỳ phát triển thể loại, vừa khu biệt Đường luật Nôm với Đường luật Hán. Nắm được quy luật vận động – phát triển này sẽ góp phần tích cực và có hiệu quả trong nghiên cứu và giảng dạy dòng thơ tiếng Việt, đánh giá đúng những đóng góp to lớn của đội ngũ trí thức phong kiến yêu nước, yêu tiếng mẹ đẻ và giàu tinh thần tự tôn, tự cường dân tộc.


--- --- --- --- --- --- --- --- ---
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Tài Cẩn. Một số vấn đề về chữ Nôm. NXB ĐH&THCN, Hà Nội, 1985.

2. Nguyễn Huệ Chi.(Tổng luận) Hoàng Đế Lê Thánh Tông, nhà chính trị tài năng, nhà văn hóa lỗi lạc, nhà thơ lớn. NXB KHXH, H. 1998.

3. Trần Quang Dũng. Hồng Đức quốc âm thi tập trong tiến trình thơ Nôm Đường luật Việt Nam thời trung đại. NXB ĐHSP, H. 2005.

4. Trần Đình Hượu. Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại. NXB Giáo Dục, H. 1999.

5. Likhatrôp. Thi pháp văn học Nga cổ xưa. NXB Lêningrat, 1967.

6. Đặng Thanh Lê. Hồ Xuân Hương và dòng thơ Nôm Đường luật. Tài liệu bồi dưỡng giáo viên dạy theo SGK Văn 10 mới. Đại học Sư phạm Hà Nội, 1990.

7. Phan Ngọc. Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều. NXB KHXH, Hà Nội, 1985.

8. Lã Nhâm Thìn. Thơ Nôm Đường luật. NXB Giáo Dục, H, 1998.

4 nhận xét:

  1. Minh Tâm rất cần nguồn tư liệu nghiên cứu về ba tác phẩm thơ Nôm kinh điển của Việt Nam:
    - Quốc âm thi tập
    - Hồng Đức quốc âm thi tập
    - Bạch Vân quốc ngữ thi tập
    Tri âm!

    Trả lờiXóa
  2. Ban oi, ban có bài thơ về cây kim trong Hồng đức quốc âm thi tập không? Mình chỉ có bản tiếng anh mà không có bản tiếng Việt. Nếu bạn có email cho minh được không? datnpn.10688@gmail.com.

    Thanks!


    "Ode to the Sewing Needle" from The Hồng Đức Anthology

    Well-tempered, it stays straight and will not warp:
    don’t try to bend it into some vile hook.
    With skill it interweaves five hues of thread;
    to beauty it can add four seasons’ flowers.
    It’s fondled by soft hands in halls of state;
    to feasts it sends fine guests adorned with silk.
    It sews the dragon robe—its task supreme.
    In service it’s unmatched by Chung Shan-fu.

    Trả lờiXóa
  3. Các Bác có thể nhận sự trợ giúp kiểm tra thơ Đường để tránh các lỗi bệnh ở đây:
    http://www.mocgiatrang.net/?ex=1

    Trả lờiXóa