Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

Kiêu hãnh và định kiến - Jane Austen

TÌM LẠI LÒNG YÊU ĐỜI VÔ TƯ TRONG VĂN HỌC CỔ ĐIỂN - Vương Trí Nhàn


Tính đến cuối năm 2002 thì có dễ đến hơn hai năm, một người Nga tôi quen, chị Tachiana Filimonova, mới có dịp đến Hà Nội công tác. Với một người nước ngoài từng nhiều năm nghiên cứu về Văn học Việt Nam, những chuyến đi như thế này là mải miết lắm, có bao nhiêu việc phải làm, nào đọc thêm những tác phẩm mới in mà ở bên Moskva không thể tìm, nào gặp gỡ những người quen cũ (chị rất mê Nguyễn Huy Thiệp và thường coi việc chuyện trò với tác giả Tướng về hưu là một niềm vui riêng chỉ Hà Nội mới có). Vậy mà có lần khi tôi ngẫu nhiên hỏi Filimonova mấy hôm nay đọc gì, thì chị thành thật cho hay:

- Tối tối, tôi đọc lại bản tiếng Nga cuốn Kiêu hãnh và định kiến.

Nhìn nét mặt tôi - có lẽ lúc đó không giấu được vẻ ngớ ra không hiểu của mình - Filimonova nói thêm:

- Đấy là một tiểu thuyết Anh thế kỉ 18, tác giả là Jane Austen.

Quay trở về, tôi cứ vương vấn mãi về câu chuyện một người Nga, khi một mình làm việc trên mảnh đất xa xôi tận mãi Hà Nội, lại cảm thấy những vui buồn của mình được cảm thông qua một tiểu thuyết Anh viết từ hơn hai thế kỉ trước.

Lâu nay thường chúng tôi chỉ lo đọc những gì có liên quan trực tiếp đến đời sống và công việc trước mắt của mình, chẳng hạn đến Nga thì lo đọc sách viết về Nga, sang Trung Quốc thì sục tìm các tài liệu có liên quan đến Trung Quốc. May mắn lắm có thời gian rỗi thì bảo nhau đi tìm những tác giả đang ăn khách đang được đồn thổi trong lớp bạn đọc nhạy cảm, cốt để đừng có lạc lõng với thế giới đương đại.

Có thể tạm xem đó là hai đặc điểm trong cách thưởng thức văn chương của nhiều người, nó cũng là một bộ phận trong cái tạm gọi là phong cách sống của thời đại.

Đọc cũng như ăn, ta cốt thiết thực, chỉ "tiêu hóa" được những gì "tươi sống" có liên quan ngay tới nhu cầu trực tiếp của mình.

Được hình thành từ một cuộc sống chật vật khó khăn, cái sự thiết thực đó vốn có cái lí riêng của nó.

Song lâu dần nó được đẩy lên thành cách sống cách nghĩ duy nhất và đồng nghĩa với sự vụ lợi. Nó làm nghèo chúng ta đi. Chúng ta dễ dàng bỏ qua cả một gia tài văn chương quá khứ mà mỗi người biết rất ít. Cũng như hàng ngày chúng ta bỏ qua những vui buồn hồn nhiên pha chút hư vô toát lên từ cái nhịp sống vốn có từ muôn đời của cả nhân loại.
...
---

Lâu thật lâu. Nay tôi thấy lại cảm giác bị cuốn theo dòng suy nghĩ. Rất khó để nắm bắt trở lại thực tại ngay sau đó. Nhưng những gì nắm bắt được lại thật đáng giá...
(ĐH)
---

Bật màn hình, tôi chỉ thấy dòng chữ cuối cùng còn lại: "Nếu bạn nhìn đúng cách, bạn sẽ thấy cả thế giới là một khu vườn". Bộ phim này tôi được xem lần đầu vào một trưa Tết gần 15 năm trước, khi mới là cô học sinh lớp 6. Mở đầu buồn và kết thúc vui. Y hệt những câu chuyện cổ tích từ ngàn xưa truyền lại. Nhiều đổi thay, biến cố nhưng kết cục hầu như bao giờ cũng có hậu...
Tôi yêu truyện cổ tích.

Đang chìm đắm trong những con chữ, bài viết, tự nhiên bên tai tôi vang lên dòng_lời_nói: "Nuôi dưỡng cảm xúc chính là cách để ta duy trì mối quan hệ. Với những người đã có gia đình, mối quan tâm của họ chính là người chồng hay người vợ. Với những người còn lại, sự quan tâm họ giành cho người mình thương yêu nhất. Nhưng đôi khi, chính cách mà ta quan tâm lại khiến người ta yêu thương bị nhiều thương tổn".
Tôi đọc lại gần như nguyên văn dòng_lời_nói ấy với cô bạn xinh xắn và sinh động ngồi kề bên. Em nói em nghĩ tới câu văn của Nguyễn Khải: "Người ta sống, yêu nhau và làm cho nhau đau khổ" (mà nguyên văn là: Người ta làm việc, người ta thân thiết nhau, yêu nhau và làm cho nhau đau khổ) và tỏ ra tâm đắc với điều này.

Lang thang bên những kệ sách trong Thư viện. Cố tình chọn nơi tra cứu sát khung cửa sổ để thỉnh thoảng được thấy màu xanh cơm nguội và nghe một tiếng chim như lệ thường, tôi bắt gặp Jane Austen với Pride and prejudice. Một người quen tên mà lạ mặt, lạ tiếng.
Tôi mang Kiêu hãnh và định kiến về nhà. Khoảng không gian làng quê và gia đình chật hẹp với những cuộc dạ vũ, những buổi chuyện phiếm kéo dài hàng giờ, hàng buổi trong câu chuyện khiến tôi cảm giác nghẹt thở. Nhưng đôi mắt huyền, cá tính mạnh mẽ và cuộc tình sôi nổi của "cô tiểu thư nông dân" Lizzy với chàng quý tộc Darcy quả thực có sức lôi cuốn diệu kì.



DẤU ẤN VIỆT HÓA TRONG NHO GIÁO THỜI TRẦN

Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ ba: Việt Nam - hội nhập và phát triển
Hà Nội, 4 - 7 tháng 12 năm 2008
ĐHQGHN - Viện KHXH VN)


VNH3.TB3.183


ThS Đỗ Thị Hương Thảo
Trường ĐHKHXH &NV, ĐHQG Hà Nội



1. Từ việc đưa người Việt Nam vào phối thờ ở Văn Miếu Thăng Long

Có mặt ở Việt Nam từ trước Công nguyên I cùng với thời điểm người Hán đến Việt Nam và tiếp tục được truyền bá trong thời kỳ Bắc thuộc, Nho giáo được du nhập vào Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu thống trị của chính quyền phương Bắc. Với tư cách là sản phẩm của chính quyền phương Bắc, dưới dạng thức tiếp xúc và giao lưu văn hóa cưỡng bức nên ảnh hưởng của Nho giáo trong xã hội Việt Nam lúc này còn rất hạn chế. Cho đến đầu thế kỷ X, giới Nho sĩ vẫn còn ít ỏi và chưa trở thành một lực lượng xã hội đáng kể.

Đến thế kỷ XI, vẫn là hệ quả của quá trình tiếp xúc và giao lưu với văn hóa Hán, nhưng ở dạng thức tiếp xúc và giao lưu tự nguyện/tự nhiên, khi việc xây dựng và phát triển đất nước thời độc lập tự chủ trở thành một yêu cầu cấp bách thì nhà Lý đã chủ động tiếp nhận, sử dụng Nho giáo làm chỗ dựa cho việc tổ chức nhà nước, quản lý xã hội, xây dựng và củng cố chế độ quân chủ tập quyền. Một trong những biểu hiện đó là việc triều Lý cho dựng Văn miếu ở Thăng Long thờ Khổng Tử - người sáng lập ra học thuyết Nho giáo và các học trò xuất sắc của ông (Tứ phối, Thập triết và Thất thập nhị hiền): “Mùa thu, tháng Tám làm Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến học ở đây”. Đúng 300 năm sau khi thành lập, đến thời Trần, Văn Miếu Thăng Long mang trong mình nét mới với việc ba người Việt Nam là Chu Văn An, Trương Hán Siêu và Đỗ Tử Bình được đưa vào phối thờ ở đây, ngoài những đại diện của Nho giáo Trung Hoa đã được nhà Lý cho thờ phụng.

Người Việt Nam đầu tiên được nhà Trần đưa vào phối thờ ở Văn Miếu là Chu Văn An. Năm 1370, thời vua Trần Nghệ Tông, sau khi mất, Chu Văn An „được truy tặng tước Văn Trinh công, ban cho tòng tự ở Văn Miếu”.

Chu Văn An (1292 - 1370) là người làng thôn Văn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Trì, nay thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ông là thầy giáo của Thái tử Trần Vượng - sau là vua Trần Hiến Tông và là một trong những vị Tư nghiệp đầu tiên của trường Quốc Tử Giám. Ông còn là tác giả của bộ Tứ thư thuyết ước, tóm tắt bốn bộ sách lớn là Luận Ngữ, Đại học, Trung Dung, và Mạnh Tử dùng làm giáo trình giảng dạy cho người Việt. Có thể nói Chu Văn An là người có những đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp giáo dục thời Trần. Ông cũng là một nhà Nho khẳng khái, dũng cảm và trung trực bởi chính ông là người từng dâng Thất trảm sớ, đề nghị nhà vua cho chém bảy tên nịnh thần để giữ yên tình hình chính sự trong nước.

Ca ngợi ông, Ngô Sĩ Liên viết: “Hãy lấy Văn Trinh mà nói, thờ vua tất thẳng thắn can ngăn, xuất xử thì làm theo nghĩa lý, đào tạo nhân tài thì công khanh đều ở cửa ông mà ra, tiết tháo cao thượng thì thiên tử cũng thể bắt làm tôi được. Huống chi tư thế đường hoàng mà đạo làm thầy được nghiêm, giọng nói lẫm liệt mà bọn nịnh hót phải sợ. Ngàn năm về sau, nghe phong độ của ông, há không làm cho kẻ điêu ngoa thành liêm chính, người yếu hèn biết tự lập được hay sao? ... Ông thực đáng được coi là ông tổ của các nhà nho nước Việt ta mà thờ vào Văn Miếu”.

Một năm sau khi Chu Văn An được đưa vào thờ tại Văn Miếu Thăng Long, năm 1371, cũng dưới thời vua Trần Nghệ Tông, người Việt Nam thứ 2 là Trương Hán Siêu tiếp tục được ban cho “tòng tự ở miếu Khổng Tử”. Trương Hán Siêu, tự là Thăng Phủ, người xã Phúc Am, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Ông từng làm quan dưới bốn triều vua nhà Trần là: Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Hiến Tông, và Trần Dụ Tông. Trương Hán Siêu đã từng giữ chức Hàn lâm viện học sĩ, là người cứng cỏi, giỏi văn chương chính sự. Ông cùng Nguyễn Trung Ngạn biên định bộ Hoàng triều đại điển, khảo soạn bộ Hình thư. Ông là tác giả của bài phú Sông Bạch Đằng, khái quát chiến công của quân dân nhà Trần chống quân Nguyên. Với uy tín và học vấn của mình, Trương Hán Siêu đã được các vua Trần từng gọi bằng Thầy.

Ông cũng là một trong những đại diện của Nho giáo thời Trần, đứng trên lập trường, quan điểm của Nho giáo để phê phán hệ tư tưởng khác trong đó có Phật giáo. Trong bài bia ở chùa Khai Nghiêm, Bắc Giang do ông soạn có đoạn viết: "Hiện nay thánh triều đem giáo hoá nhà vua như cơn gió thổi lên để chấn chỉnh phong tục đồi bại, thì dị đoan cần bỏ, chính đạo nên theo. Phàm kẻ sĩ phu không phải đạo Nghiêu Thuấn không nên tâu ở trước vua; không phải đạo Khổng Mạnh không nên chép thành sách; thế mà [nhiều kẻ không làm thế] cứ chăm chăm lầm rầm niệm Phật thì hòng nói dối ai?".
Trương Hán Siêu thống lĩnh quân Thần Sách trấn thủ Hoá Châu, sau mắc bệnh, trở về rồi chết, được tặng Thái phó.

Năm 1380, dưới triều vua Trần Phế Đế, người Việt Nam thứ 3 và là người Việt Nam cuối cùng được đưa vào phối thờ ở Văn Miếu. Đó là Đỗ Tử Bình.

Những ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư về Đỗ Tử Bình chỉ cho biết ông là người đã từng trải qua các chức Ngự tiền học sinh, Thị giảng, giữ việc Viện Xu mật, đồng Tri môn Hạ Bình Chương sự, Hành khiển và có nhiệm vụ trấn giữ ở Hóa Châu để ngăn ngừa Chiêm Thành quấy rối.

Tuy nhiên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục đã cung cấp thêm thông tin về quê quán của Đỗ Tử Bình. Ở mục “lời chua” của sự kiện năm 1348 khi Đỗ Tử Bình được bổ dụng làm Thị giảng có ghi: “Tử Bình: Chưa rõ người ở đâu. Sách An Nam chí của Cao Hùng Trưng, nhà Minh chép: “ở huyện Cổ Lan có vườn Tử Bình, trong vườn có mai, trúc, khe suối và hồ ao, là một chỗ thắng cảnh trong huyện để du thưởng”. Như thế có lẽ Tử Bình là người huyện Cổ Lan? Huyện Cổ Lan tức là Đông Quan ngày nay, thuộc tỉnh Nam Định”.

Như vậy, chỉ riêng trong một triều đại - triều Trần - cùng một lúc đã có 3 người Việt được đưa vào phối thờ ở Văn Miếu bên cạnh các nhà Nho Trung Hoa. Tuy nhiên, không phải cả ba người này đều được tiếp tục thờ tự cho đến ngày nay. Những ghi chép của Ngô Thì Sĩ trong Đại Việt sử ký tiền biên cho biết đến khoảng thế kỷ XVIII, Trương Hán Siêu và Đỗ Tử Bình không còn được tiếp tục thờ ở Văn Miếu, duy nhất còn một mình Chu Văn An tiếp tục được phối thờ tại giải vũ phía tây nhà Văn Miếu cùng với Thất thập nhị hiền.

Trong phần đầu của bài viết này, chúng tôi không đi sâu vào việc luận giải lý do vì sao các nhà Nho Việt được chọn vào phối thờ và sau này không được tiếp tục phối thờ ở Văn Miếu mà chỉ muốn nhấn mạnh đến sự kiện nhà Trần đã đưa ba người Việt Nam vào phối thờ cùng với những nhà Nho Trung Hoa - những người đã có công sáng lập và phát triển Nho giáo - và nhìn nó như là dấu ấn Việt hóa của Nho giáo Việt Nam thời Trần.


2. Đến dấu ấn Việt hóa của Nho giáo ở thời Trần

2.1. Điều đầu tiên cần khẳng định là không phải đến nhà Trần, Nho giáo ở Việt Nam mới được Việt hóa. Như một thuộc tính của quá trình tiếp xúc và giao lưu văn hóa, Nho giáo cũng như các thành tố văn hóa khác khi vào Việt Nam luôn có xu hướng được Việt hóa, được biến đổi cho phù hợp tư duy, cách thức, lối sống của người Việt. Nhiều khái niệm/quan niệm ban đầu của Nho giáo ở Trung Hoa đã được “cải biến, mang tính dân tộc, nhân dân”. Nói cách khác là “các nhà Nho Việt Nam vì công cuộc xây dựng xã hội và bảo vệ Tổ quốc đã tiếp nhận và khai thác những yếu tố Nho giáo cho phù hợp với xã hội và đất nước mình, phải “bản địa hóa”. Nho giáo được người Việt tiếp nhận “không bàn nhiều về lý luận phức tạp, mà chú trọng vào củng cố nhân luân hiếu đễ, củng cố nền kinh tế nông nghiệp, củng cố khối cộng đồng gia đình - họ tộc - xóm làng, củng cố việc học hành khoa cử”. Nội hàm của chữ “trung”, “hiếu”, “nghĩa”… của Nho giáo Việt Nam không hoàn toàn giống với nghĩa gốc ban đầu khi nó được du nhập từ Trung Quốc sang.

2.2. Tuy nhiên, khi nói đến dấu ấn Việt hóa của Nho giáo Việt Nam thời Trần, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến sự kiện nhà nước phong kiến chính thức đưa người Việt vào phối thờ tại Văn Miếu Thăng Long - nơi thờ tự hàng đầu trong hệ thống các di tích thuộc Nho giáo. Dấu ấn Việt hóa quan trọng của Nho giáo ở thời Trần sẽ thể hiện rõ nét hơn khi đặt trong tương quan so sánh với triều Lý và triều Lê, những triều đại được coi là đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của Nho giáo Việt Nam. Trước tiên chúng ta hãy điểm lại những dấu mốc quan trọng của nhà Lý trong việc tạo dựng những cơ sở đầu tiên cho sự hình thành Nho giáo ở Việt Nam.

Năm 1070, nhà Lý cho dựng Văn Miếu thờ Khổng Tử. Miếu thờ Khổng Tử nguyên gốc có ở Trung Quốc. Năm thứ 27, niên hiệu Khai Nguyên thời Đường, Khổng Tử được phong là Văn Tuyên Vương nên miếu thờ Khổng Tử gọi là Văn Tuyên Vương miếu. Từ thời Nguyên, Minh về sau phổ biến gọi là Văn miếu. Như Văn miếu Thăng Long của thời Lý có nội dung và tên gọi giốngvới Văn miếu/Khổng Tử miếu ở Trung Quốc.

Năm 1076, Quốc Tử Giám được xây dựng, triều Lý chọn “quan viên văn chức, người nào biết chữ cho vào Quốc Tử Giám”. Quốc Tử Giám cũng là tên gọi có nguồn gốc sâu xa từ các trường học có từ thời Hạ, Thương, Chu ở Trung Hoa. Từ năm 276 TCN, nhà Tây Tấn, niên hiệu Hàm Ninh thứ 2, Quốc Tử Giám là trường dành riêng cho quý tộc, con em quan lại từ ngũ phẩm trở lên vào học tập22. Như vậy việc cho xây dựng Văn Miếu - Quốc Tử Giám của nhà Lý cơ bản giống với mô hình đã có ở Trung Hoa.
Năm1075, lần đầu tiên trong lịch sử khoa cử Việt Nam, vua Lý Thánh Tông cho tổ chức khoa thi Minh kinh Bác học và thi Nho học tam trường để tuyển lựa nhân tài. Việc tổ chức thi cử của nhà Lý cũng không nằm ngoài sự mô phỏng của phương pháp lựa chọn nhân tài của Trung Hoa. Từ thời Tùy trở về trước (tức là trước thế kỷ VII), việc tuyển chọn người tài ở Trung Hoa thì tiến cử là chính, thi cử là phụ. Sau khi thống nhất Trung Quốc, nhà Tùy sáng lập ra khoa cử - bước tiến bộ trong chế độ tuyển chọn nhân tài ở thời điểm bấy giờ - tức là tuyển lựa nhân tài qua thi cử. Từ thời Đường về sau, khoa cử ở Trung Hoa ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện và lựa chọn nhân tài của chính quyền trung ương. Như vậy, nhìn một cách tổng thể, Nho giáo Việt Nam thời Lý có nhiều điểm tương đồng với Nho giáo Trung Hoa cả về việc thờ phụng người sáng lập ra học thuyết Nho giáo và về hình thức tổ chức khoa cử. Thế kỷ XV, sau khi giành độc lập dân tộc, nhà Lê đã đưa Nho giáo Việt Nam phát triển lên đến đỉnh cao, trở thành quốc giáo. Bên cạnh việc tiếp tục vẫn thờ người Việt trong Văn Miếu đã có từ thời Trần, việc đề cao Nho giáo của nhà Lê thể hiện trên nhiều lĩnh vực: triều đình cho miễn lao dịch với những người thi đỗ và học tập ở Quốc Tử Giám; định rõ thể lệ, thời gian cho các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình; đặt các chức Ngũ Kinh Bác sĩ, ban cấp các bản in Ngũ Kinh của Nhà nước cho Quốc Tử Giám… Trong đó vị vua có nhiều đóng góp nhất phải kể đến vua Lê Thánh Tông với những sự kiện đáng ghi nhận:

Năm 1472, vua Lê Thánh Tông cho định lệ tư cách của Tiến sĩ.

Năm 1483, nhà Lê cho sửa Văn Miếu - Quốc Tử Giám: “làm điện Đại Thành, đông vu, tây vu ở Văn Miếu, cùng điện Canh Phục, kho chứa ván in, kho chứa đồ tế lễ, đông tây đường nhà Minh Luân”.

Năm 1484, lần đầu tiên vua Lê Thánh Tông cho dựng bia đá tại Văn Miếu ghi tên tuổi, quê quán của những người đỗ Tiến sĩ, bắt đầu từ khoa thi Nhâm Tuất năm Đại Bảo thứ 3 (năm 1442) triều Lê Thái Tông trở đi27. Hàn lâm viện Thừa chỉ Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung đã khẳng định tinh thần đề cao giáo dục Nho học của nhà Lê trên nội dung văn bia: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần kíp”. Cũng trong năm này, nhà Lê còn quy định về việc ban cấp tiền cho sinh viên ba xá (Thượng xá sinh, Trung xá sinh và Hạ xá sinh) ở trường Quốc Tử Giám.

Sau Lê Thánh Tông, các vị vua tiếp theo của nhà Lê vẫn tiếp tục đề cao và phát triển Nho học. Đối chiếu với lịch sử khoa cử Trung Hoa, chúng ta thấy, những quy định của nhà Lê về việc tổ chức thi Hương, thi Hội, thi Đình; về phân loại danh hiệu dành cho những người đỗ Tiến sĩ (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp và Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân), việc dựng bia Tiến sĩ và nhiều quy định khác đối với Nho giáo và Nho học… ở những phương diện nhất định vẫn không nằm ngoài sự ảnh hưởng, tiếp nhận của Nho giáo Trung Hoa. Nho giáo đời Trần mặc dù ít được các nhà nghiên cứu chú ý so với triều Lý và triều Lê nhưng những trình bày ở trên cho thấy nho giáo thời Lý và thời Lê có nhiều điểm tương phỏng Nho giáo Trung Hoa trong khi với việc đưa người Việt Nam vào phối thờ ở Văn Miếu, Nho giáo của thời Trần đã mang một tính chất khác hẳn. Sự kiện này cho thấy lúc này Văn miếu Việt Nam nói riêng và Nho giáo Việt Nam nói chung không còn hoàn toàn dập khuôn theo nguyên mẫu Trung Hoa. Ngoài ra, ở thời Trần còn xuất hiện xu hướng chống chủ nghĩa giáo điều trong Nho học cũng như xu hướng muốn sửa chữa và uốn nắn ngay những nguyên lý và tín điều của Nho giáo.

2.3. Đặt trong bối cảnh cùng chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa trong quá trình tiếp xúc và giao lưu văn hóa ở giai đoạn đầu của thời kỳ độc lập, tự chủ sau 1000 năm Bắc thuộc; so sánh với hai triều đại gần kề (nhà Lý và nhà Lê), việc đưa các nhà Nho Việt vào phối thờ tại Văn Miếu Thăng Long của nhà Trần đã ghi dấu ấn đáng kể trong việc chuyển Nho giáo mang đậm ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa sang Nho giáo mang yếu tố Việt ở khía cạnh nhà nước chính thống. Cho đến hết thời kỳ phong kiến ở Việt Nam - ở các triều đại tiếp theo (Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng, Tây Sơn và triều Nguyễn) - không có người Việt Nam nào được đưa vào phối thờ thêm ở Văn Miếu cho nên sự kiện này của nhà Trần có thể nói là sự kiện “vô tiền khoáng hậu” trong việc người Việt đã dần biến Nho giáo của Trung Hoa thành Nho giáo của Việt Nam. Việc đưa người Việt vào phối thờ cùng các nhà Nho Trung Hoa đã khẳng định vai trò của nhà Trần trong việc sử dụng Nho giáo như biểu hiện mạnh mẽ của sự trưởng thành của dân tộc Việt.

Chọn hai nhà Nho là Chu Văn An và Trương Hán Siêu vào phối thờ ở Văn Miếu là thông điệp của nhà Trần trong việc khẳng định Việt Nam đã có những nhà Nho đích thực tiếp cận, nắm bắt các quan điểm của học thuyết Nho giáo. Hay nói như nhà sử học Phan Phu Tiên thì: “Bậc danh nho các đời có bài trừ được dị đoan, truyền giữ được đạo thống trị thì mới được cho tòng tự ở Văn Miếu, thế là để tỏ rõ đạo học có ngọn nguồn”. Trả lời câu hỏi tại sao nhà Trần lại đưa một vị quan võ như Đỗ Tử Bình vào phối thờ ở Văn Miếu là điều đáng quan tâm và cần được nghiên cứu thêm. Nhưng ít nhất nó cũng cho thấy đối tượng mà nhà Trần đưa vào phối thờ không chỉ đơn thuần là các đại diện của Nho giáo mà còn có cả đại diện của yếu tố quyền lực của chính quyền nhà nước. Điều này phần nào phản ánh thế giới quan và nhân sinh quan của nhà Trần lúc bấy giờ.

2.5. Như vậy, bên cạnh những đóng góp to lớn của nhà Lý, nhà Lê đối với Nho giáo Việt Nam, khi nói đến dấu ấn Việt hóa của Nho giáo Việt Nam không thể không nhắc đến triều Trần, một triều đại đặc biệt không chỉ lừng danh với 3 lần chiến thắng quân Nguyên - Mông, với việc tạo ra dòng Phật giáo mang yếu tố Việt (Trúc Lâm và Thảo Đường) mà còn là triều đại có công tạo ra sự khác biệt cho Nho giáo Việt Nam với Nho giáo Trung Hoa. Một lần nữa, điều này khẳng định “bản lĩnh”, “bản sắc”, “khả năng ứng biến” (như chữ dùng của GS. Trần Quốc Vượng), tính uyển chuyển của con người Việt Nam, của văn hóa Việt Nam trong quá trình tiếp xúc, giao lưu với văn hóa phương Bắc nói riêng và văn hóa nước ngoài nói chung.


GHI CHÚ:

Tứ phối: Nhan Hồi, Tăng Sâm, Tử Tư và Mạnh Tử

Thập triết: Trong số học trò của Khổng Tử có 10 người thật xuất sắc từng được Khổng Tử nêu tên, tiêu biểu cho từng mặt đức hạnh, ngôn ngữ, văn học và chính sự. Nho gia đời sau gọi 10 vị này là Thập triết (mười người hiền triết, xuất sắc nhất sau hàng Tứ phối). Về sau, Nhan Uyên, Tăng Sâm được nâng lên hàng Tứ phối, còn lại 8 người, nâng Hữu Nhược (thuộc hạng Hiền) chọn thêm Chu Hy gọi chung là Thập triết. Gồm: Mẫn Tử Tổn, Nhiễm Ung, Đoan Mộc Tứ, Trọng Do, Bốc Thương, Hữu Nhược, Nhiễm Canh, Tể Dư, Nhiễm Cầu, Ngôn Yển, Chuyên Tôn Sư, Chu Hy.

Thất thập nhị hiền: 72 học trò giỏi của Khổng Tử là theo số ghi trong sách Khổng miếu đồ, bao gồm cả Tứ phối và Thập triết. Nếu không tính Hữu Nhược đã xếp lên hàng Thập nhị triết thì còn 61 người khác, kê theo danh sách ghi trong Tống sử.
1. Đam Đài Diệt Minh, tự Tử Vũ
2. Nguyên Hiến, tự Tự Tử
3. Nam Cung Quất, tự Tử Dung, hoặc Nam Dung
4. Thương Cù, tự Tử Mộc
5. Tất Điêu Khai, tự Tử Nhược
6. Tư Mã Canh, tự Tử Ngưu
7. Nhan Hạnh, tự Tử Liễu
8. Vu Mã Thi, tự Tử Kỳ
9. Tào Tuất, tự Tử Tuần
10. Công Tôn Long, tự Tử Thạch
11. Tần Thương, tự Phi Tư
12. Nhan Cao, tự Tử Kiêu, có tài liệu ghi là Nhan Khắc
13. Nhưỡng Tứ Xích, tự Tử Đồ
14. Thạch Tác Thục, tự Tử Minh
15. Công Hạ Thủ, tự Tử Thặng (Thừa)
16. Hậu Xử, tự Tử Lý (Thạch Xử)
17. Hề Dung Điểm, tự Tử Triết
18. Nhan Tổ, tự Tử Tương
19. Câu Tỉnh Cương, tự Tử Mạnh
20. Tần Tổ, tự Tử Nam
21. Huyện Thành, tự Tử Kỳ
22. Công Tổ Cú Tư, tự Tử Chi
23. Yến Cấp, tự Tư
24. Nhạc Khái, tự Tử Thanh
25. Dịch Hắc, tự Tích
26. Khổng Trung, tự Tử Miệt
27. Công Tây Điểm, tự Tử Thượng
28. Nhan Chi Bộc, tự Tử Thúc
29. Thi Chi Thường, tự Tử Hằng
30. Tần Phi, tự Tử Chi
31. Phật Bất Tề, tự Tử Tiện
32. Công Dã Tràng, tự Tử Trường (Tử Chi)
33. Công Tích Ai, tự Quý Thứ (Quý Huống)
34. Cao Sài, tự Tử Cao
35. Phàn Tu, tự Tử Trì (Phàn Trì)
36. Công Tây Xích, tự Tử Hoa
37. Lương Chiên, tự Thúc Ngư
38. Nhiễm Nhụ, tự Tử Lỗ
39. Bá Kiên, tự Tử Tích
40. Nhiễm Quý, tự Tử Sản
41. Tất Điêu Xỉ, tự Tử Liễn
42. Tất Điêu Đồ Phủ, tự Tử Văn
43. Thương Trạch, tự Tử Tú
44. Nhậm Bất Tề, tự Tuyển
45. Công Lương Nhụ, tự Tử Chính
46. Công Kiên Định, tự Tử Trung
47. Kiêu Đan, tự Tử Gia
48. Hản Phú Hắc, tự Tử Sách
49. Vinh Kỳ, tự Tử Kỳ
51. Trịnh Quốc, tự Tử Đồ
52. Nguyên Kháng, tự Tử Tịch
53. Liêm Khiết, tự Dung và Tử Tháo
54. Thúc Trọng Hội, tự Tử Kỳ
55. Công Tây Dư Như, tự Tử Thượng
56. Bang Tốn, tự Tử Liễm
57. Trần Kháng, tự Tử Kháng (Tử Cầm)
58. Cầm Trương (Cầm Lao), tự Tử Khai
59. Bộ Thúc Thăng, tự Tử Xa
60. Thân Chành, tự Chu
61. Nhan Khoái, tự Tử Thanh

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

Không bao giờ là cuối_LQV

Vì em anh viết những bài thơ...


EM VẮNG

Cốc nước trên bàn
quyển sách gập giữa trang
tấm gương soi vào khoảng trống
ngọn đèn soi gian phòng vắng
tấm áo em trên thành nghế im lìm
chiếc thìa con, lát chanh mỏng úa vàng
vài sợi tóc đen
vương trên chiếc lược...
những đồ vật lung linh dấu vết
của dịu hiền thân thuộc ngón tay em.

Chuyến xe ca lầm lũi bánh đầy bùn
một người đàn bà lên xe, ba-lô cũ bạc
tình yêu của anh ở sau cửa kính
tình yêu của anh đi với mùa hè

Anh về nhà, không có ai chờ
chiếc chìa khóa quay trong ổ khóa
chiều đã tắt thành đêm
người đã xa thành nhớ
vùng núi mây bao lá trắng xóa
mưa dài cỏ rậm thảo nguyên cao
Con đường về nơi ấy biết đâu
bây giờ thành khoảng cách
chợt thức dậy biết em không ở cạnh
Anh ra đường, thành phố không em
kẻ lẻ loi còn được lặng yên
anh như đứng trên gai, đi trên lửa
không đủ sức sướng vui hay buồn khổ
chỉ còn lại bậc cửa đợi chờ em.

Gió bồn chồn nhắc gọi bước chân quen
Em như thời khắc của anh
như dáng hình như trí nhớ
Phải xa em anh chẳng còn gì nữa
Chẳng còn gì, kể cả nỗi cô đơn.



VÀ ANH TỒN TẠI

Giữa bao la đường sá của con người
Thành phố rộng, hồ xa chiều nổi gió
Ngày chóng tắt cây vườn mau đổ lá
Khi tàu đông anh lỡ chuyến đi dài
Chỉ một người ở lại với anh thôi
Lúc anh vắng người ấy thường thức đợi
Khi anh khổ chỉ riêng người ấy tới
Anh yên lòng bên lửa ấm yêu thương
Người ấy chỉ vui khi anh hết lo buồn
Anh lạc bước, em đưa anh trở lại
Khi cằn cỗi thấy tháng ngày mệt mỏi
Em là sớm mai là tuổi trẻ của anh
Khi những điều giả dối vây quanh
Bàn tay ấy chở che và gìn giữ
Biết ơn em, em từ miền cát gió
Về với anh, bông cúc nhỏ hoa vàng
Anh thành người có ích cũng nhờ em
Anh biết sống vững vàng không sợ hãi
Như người làm vườn, như người dệt vải
Ngày của đời thường thành ngày-ở-bên-em
Anh biết tình yêu không phải là vô biên
Như tia nắng, chúng mình không sống mãi
Như câu thơ, chắc gì ai đọc lại
Ai biết ngày mai sẽ có những gì
Người đổi thay, năm tháng cũng qua đi
Giữa thế giới mong manh và biến đổi
"Anh yêu em và anh tồn tại"
Em của anh, đôi vai ấm dịu dàng
Người nhóm bếp mỗi chiều, người thức dậy lúc tinh sương
Em ở đấy, đời chẳng còn đáng ngại
Em ở đấy, bàn tay tin cậy
Bàn tay luôn đỏ lên vì giặt giũ mỗi ngày
Ðôi mắt buồn của một xứ sở có nhiều mưa
Ngọn đèn sáng rụt rè trên cửa sổ
Ðã quen lắm em còn bỡ ngỡ
Gọi tên em, môi vẫn lạ lùng sao

Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

Tình ca ban mai - Chế Lan Viên

Tình ca ban mai  là một trong số ít thi phẩm của Chế Lan Viên mà tôi thực sự yêu thích.
Thơ Chế Lan Viên đậm chất trí tuệ và suy tưởng.
Dầu vậy, tôi vẫn như người quen đi về trên lối cũ, chỉ yêu những vần thơ được dệt nên từ chính cảm xúc thi nhân.

Và lệ thường, như mỗi lần một mình ngồi nghe Trịnh, tiếng ''em'' vang lên như thanh âm của chuông gió khiến trái tim Đông Hà tôi xao xuyến. Nghe yêu và thương biết mấy.



Em đi , như chiều đi
Gọi chim vườn bay hết

Em về tựa mai về
Rừng non xanh lộc biếc

Em ở, trời trưa ở
Nắng sáng màu xanh che

Tình em như sao khuya
Rải hạt vàng chi chít

Sợ gì chim bay đi
Mang bóng chiều đi hết

Tình ta như lộc biếc
Gọi ban mai lại về

Dù nắng trưa không ở
Ta vẫn còn sao khuya

Hạnh phúc trên đầu ta
Mọc sao vàng chi chít

Mai, hoa em lại về...


(Ánh Sáng Và Phù Sa - Chế Lan Viên)