Thứ Năm, 23 tháng 8, 2018

Một thời yêu dấu đã qua ...

"... Gót hồng em muốn quay về
Dù trần gian có xót xa
Cũng đành về với quê nhà" - TCS




























Thứ Tư, 28 tháng 3, 2018

TRIỀU ĐẠI NHÀ TRẦN TRONG LỊCH SỬ DÂN TỘC



Trong sự tồn tại hơn hai trăm năm mà phần lớn là thịnh trị (với một số vua thánh hiền đầu triều như Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông), nhà Lý đã đưa đất nước ta bước vào thời kỳ phục hưng và trở thành một nước văn hiến với thiết chế chính trị - xã hội quy củ, nhân tài lỗi lạc ở nhiều lĩnh vực. Tuy vậy, từ nửa sau thế kỷ XII, nhà Lý ngày càng sa sút. Năm 1175, vua Lý Anh Tông mất, thái tử Long Cán chưa đầy ba tuổi lên ngôi, tức Lý Cao Tông. Cao Tông lớn lên ham mê chơi bời, bỏ bê việc nước, để quyền hành rơi vào tay bọn cận thần mọt nước hại dân. Hậu quả là sang đầu thế kỷ XIII, chính quyền trung ương trở nên bất lực trước cuộc suy thoái về kinh tế và hỗn loạn về chính trị. Thiên tai, mất mùa, đói kém xảy ra liên tiếp. Các thế lực cát cứ nổi lên khắp nơi đánh giết lẫn nhau, cướp bóc bừa bãi. Ngoài biên thùy, Chiêm Thành và Chân Lạp thường xuyên quấy phá. Đế quốc Mông Cổ cũng đã tung vó ngựa sang phía Đông, chiếm Triều Tiên, chuẩn bị xâm lược Trung Hoa và các nước phía Nam. Lúc này, nước Đại Việt “đã hình thành ba thế lực phân cát lớn là: họ Đoàn (Hải Dương và Hải Phòng), họ Trần (Nam Định, Thái Bình và Nam Hưng Yên), họ Nguyễn (Quốc Oai - Hà Tây) [ Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn (chủ biên), Đại cương lịch sử Việt Nam toàn tập (Từ thời nguyên thủy đến năm 2000), NXB Giáo dục, H., 2005; tr 168]. Khoảng năm 1208 - 1209, triều đình có biến, hoàng thái tử Sảm (sau là Lý Huệ Tông) đã chọn thế lực họ Trần làm nơi nương tựa. Chính tại Lưu Gia thôn (thôn Lưu Xá - xã Canh Tân - huyện Hưng Hà - tỉnh Thái Bình), một thiên tình sử giữa thái tử họ Lý với Trần Thị Dung - cô thôn nữ con gái Trần Lý đã diễn ra, đưa họ Trần trở thành ngoại thất của nhà Lý. Lấy danh nghĩa giúp cơ đồ nhà Lý đang nghiêng ngả, họ Trần đã dùng hương binh khắp vùng hạ lưu sông Hồng phá vỡ các thế lực phân cát rồi từng bước tiến sâu vào triều nội. Lý Huệ Tông và Trần Thị Dung không có con trai, chỉ có hai người con gái: công chúa thứ nhất đã gả cho Trần Liễu. Huệ Tông đành lập công chúa thứ hai là Chiêu Thánh làm thái tử. Cuối năm 1224, họ Trần bức Huệ Tông nhường ngôi cho Chiêu Thánh (mới bảy tuổi), tức Lý Chiêu Hoàng. Huệ Tông ra tu ở chùa Chân Giáo. Năm 1225, với sự sắp xếp của Trần Thủ Độ - em họ Trần Thừa, nhà chính trị lão luyện, Lý Chiêu Hoàng - vị nữ vương cuối cùng của triều đại nhà Lý đã cởi áo hoàng bào nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh (con trai đầu Trần Thừa, khi ấy mới tám tuổi) trước sự chứng kiến của bá quan văn võ tại điện Thiên An. Họ Trần lấy được thiên hạ một cách êm thấm.


Triều đại nhà Trần kể từ Trần Thái Tông đến Trần Thiếu Đế là mười hai đời vua, trị vì 175 năm (từ năm 1225 đến năm 1400), theo thể chế nhà nước quân chủ chuyên chế, các vua theo định chế cha truyền con nối. Ngoài ra còn phải kể đến hai vị vua thời Hậu Trần là Giản Định Đế và Trùng Quang đế. Triều đại này được ghi nhận là có bước tiến xa so với lịch sử trước và sau đó về chiến lược con người. Những tướng lĩnh tài ba, những nhà văn hoá tư tưởng được trọng dụng đều thực sự có tài năng, đức độ, dù rằng nguồn gốc xuất thân là gia nô, nô tỳ, bình dân hay hoàng thân quốc thích. Với quan điểm: “Không có tài thì không giao chức tước dù là con cháu ông hoàng bà chúa” nên triều đình nhà Trần đã tập hợp được một bộ máy quan lại đủ năng lực quản lý đất nước trên mọi lĩnh vực. Trần Thánh Tông còn cho rằng: “Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông, người nối nghiệp tổ tông nên cùng với anh em trong họ cùng hưởng phú quý, tuy bên ngoài là cả thiên hạ phụng sự một người tôn quý, nhưng bên trong ta cùng các khanh là đồng bào ruột thịt, lo thì cùng lo, vui thì cùng vui” [Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư tập 1, NXB Văn hoá Thông tin, H., 2004; tr 483]. Có lẽ rằng, không có một ông vua nào, một thời kỳ phong kiến nào lại có tư tưởng nhân văn đến thế!


Ngoài ra, một đặc điểm nổi bật nữa của các vua Trần là họ không bao giờ ở lâu ngai vàng, bình quân tới tuổi bốn mươi là nhường ngôi cho con để làm Thái thượng hoàng. Các Thái thượng hoàng thường lui về sống tại cung Trùng Quang thuộc phủ Thiên Trường đồng thời vẫn tiếp tục chú tâm đến chính sự, dìu dắt đức vua trẻ mới lên ngôi.

Nhìn chung, quốc gia Đại Việt dưới triều đại nhà Trần đạt được bước phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực, trở thành cường quốc trong khu vực Đông Nam Á:
Về lĩnh vực kinh tế: Nhà nước rất quan tâm đến sự phát triển nông nghiệp, ban hành nhiều chính sách khuyến nông, xây dựng các công trình thủy lợi, khai hoang mở rộng diện tích canh tác. Nhà vua thường thân hành đi xem cày hay gặt ở các hành cung. Nhờ đó, nhiều năm cả nước được mùa lớn, cuộc sống nhân dân khá ổn định, hình ảnh nông thôn Việt Nam đến đầu thế kỷ XIV đã có những thay đổi lớn lao. Nông nghiệp phát triển còn tạo điều kiện cho việc đẩy mạnh sản xuất thủ công nghiệp đời Trần với nhiều ngành nghề: dệt lụa, làm đồ gốm, luyện kim, đồ mĩ nghệ. Từ đây dẫn đến việc buôn bán trong nước cũng phát đạt (Thăng Long là một thị trấn buôn bán và thủ công nghiệp sầm uất, nhộn nhịp; Vân Đồn trở thành thương cảng quan trọng buôn bán rộng rãi với thuyền buôn nước ngoài).
Về lĩnh vực xã hội: Chế độ xã hội thời Trần mang nhiều đặc điểm của chế độ phong kiến phương Đông, thể hiện ở mấy điểm: chế độ sở hữu kép về ruộng đất, sự bóc lột địa tô hiện vật; sự tồn tại với vai trò hết sức quan trọng của cộng đồng làng xã; sự phát triển lớn mạnh của chế độ điền trang thái ấp. Đầu thời Trần, các giai tầng trong xã hội đều phải đứng trước hai nhiệm vụ cơ bản là dựng nước và giữ nước mà trước hết là cuộc chiến tranh giữ nước nên đã đoàn kết bên nhau chống lại kẻ thù chung. Vua quan nhà Trần đã lãnh đạo nhân dân ba lần đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông (vào các năm 1258, 1285, 1288) với nhiều trận đánh nổi tiếng (Chương Dương, Hàm Tử, Bạch Đằng,…), ghi được nhiều chiến công lẫy lừng. Cho tới ngày nay, lịch sử dân tộc vẫn còn ghi danh những vị minh quân như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông,… cùng nhiều tướng lĩnh kiệt xuất như Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão,… Họ chính là những người đã làm vinh hiển cho mảnh đất quê hương Thiên Trường và góp phần làm rạng rỡ thêm trang sử vàng của dân tộc.
Về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật: Chiến thắng giặc Nguyên Mông - bản anh hùng ca vĩ đại của dân tộc đã tạo sức bật cho nền văn hóa nghệ thuật nước nhà vươn lên đạt được những thành tựu rực rỡ. Sáng tác nghệ thuật thời này được mở rộng về chủ đề (không chỉ xoay quanh những vấn đề của đạo Phật như ở thời Lý mà còn hướng đến những vấn đề của đạo Nho và nhất là những vấn đề của đời sống hiện thực, trong đó nổi bật hơn cả là tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng, lòng tự hào dân tộc), đồng thời lại mang bản chất của người sáng tạo ra nó - những người đã làm nên lịch sử. Chính họ “đã tạo cho mình một phong cách khoáng đạt, đơn giản, khỏe khoắn, muốn vươn thoát khuôn khổ lễ nghi để đi vào dòng cảm xúc chân thành của nhân dân, chuẩn bị cho nghệ thuật của những thế kỷ sau này mở ra một chân trời rộng mở” [Trần Thuận, Tư tưởng Việt Nam thời Trần, Luận án Tiến sỹ Lịch sử, TP Hồ Chí Minh, 2003; tr 39).


Tóm lại: Nhà Trần thành lập trên cơ sở sự chuyển giao ngôi báu từ nhà Lý và đã sớm khắc phục những mặt yếu kém do các vua cuối triều Lý tạo ra, nhanh chóng ổn định tình hình, kế thừa và phát huy những thành quả triều Lý đã đạt được để xây dựng một xã hội phát triển về mọi mặt và đã tạo nên những chiến công vang dội trong sự nghiệp chống ngoại xâm.
Từ những thành tựu mà vua quan và nhân dân nhà Trần đạt được trong suốt gần hai thế kỷ, chúng ta thấy được vai trò to lớn của mảnh đất hương Tức Mặc - phủ Thiên Trường, đất phát tích, quê hương và đất thang mộc của các vua Trần. Mảnh đất này đã sản sinh ra dòng họ Trần và ngược lại chính các vua Trần và thái thượng hoàng nhà Trần đã làm cho quê hương mình xứng đáng với tầm vóc một đế kinh nổi tiếng trong lịch sử.

Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2018

TÌM HIỂU CA DAO VỀ PHỦ THIÊN TRƯỜNG XƯA


Ngược dòng lịch sử, căn cứ vào các tài liệu địa chí hiện biết thì Nam Định vốn là đất Nam Giao đời xưa. Thời Lý, đất ấy thuộc lộ Hải Thanh. Thời Trần, Trần Thái Tông đổi là lộ Thiên Thanh; Trần Thánh Tông đổi thành lộ Thiên Trường, đồng thời thăng làng Tức Mặc lên thành phủ Thiên Trường (1262). Nhìn một cách tổng quan, phủ Thiên Trường dưới thời Trần bao gồm một vùng rộng lớn tương đương với cả miền hữu ngạn hạ lưu sông Hồng (nay thuộc tỉnh Nam Định) và một phần tả ngạn huyện Thư Trì (nay thuộc tỉnh Thái Bình); cách kinh thành Thăng Long chín mươi kilômét về phía đông nam, trong đó Tức Mặc chính là thủ phủ.
Nam Định - Thiên Trường, mảnh đất sơn thuỷ hữu tình, giàu truyền thống, lại nhuần nhị với phong vị riêng mang đặc trưng của vùng đất đã phát tích nên dòng họ Trần, nơi dấy nghiệp, dựng nghiệp của vương triều Trần với bao chiến công hiển hách. Thơ ca dân gian được cất lên từ vùng đất Nam Định - Thiên Trường vừa hàm ẩn đặc điểm chung của thơ ca dân gian Việt Nam vừa mang màu sắc địa phương rõ rệt.

1. Khảo sát ca dao về phủ Thiên Trường xưa
Khảo sát thơ ca dân gian trên quê hương Nam Định nay, chúng ta như được bước vào một thế giới mênh mông của chất liệu ngôn từ và điệu lòng, điệu hồn dân tộc. Cảnh sắc, thiên nhiên, con người, phong vật, lịch sử như quyện hoà vào nhau, lung linh mà chân thực, sống động. Trên cơ sở kết quả khảo sát từ nguồn tư liệu chính là hai cuốn sách:
- Ca dao, tục ngữ Nam, Ty Văn hoá Nam Hà, 1974 
- Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, H., 1971
Chúng tôi đã chắt lọc, tập hợp và thống kê được mười bốn bài ca dao liên quan đến phủ Thiên Trường. Việc khảo sát được tiến hành trên hai phương diện: khảo sát về quy mô, số lượng câu thơ và khảo sát về nội dung.
Về quy mô, số lượng câu thơ:
Mười bốn bài ca dao được khảo sát đều được sáng tác theo thể thơ lục bát truyền thống. Trong đó:
- Ca dao bố cục hai câu là: 4 / 14 bài (chiếm 28,6%)
- Ca dao bố cục bốn câu chiếm số lượng chủ yếu: 8 / 14 bài (chiếm 57,4%)
- Ca dao bố cục sáu câu là: 1 / 14 bài (chiếm 7%)
- Ca dao bố cục tám câu là: 1 / 14 bài (chiếm 7%)
Về phương diện nội dung:
Cả mười bốn bài ca dao đều hướng đến chủ đề tình nghĩa, thể hiện rất mực tự nhiên, chân thực, trong sáng tình yêu quê hương đất nước thiết tha, sâu nặng và tình cảm lứa đôi thuỷ chung, đằm thắm.
Nội dung của các bài ca dao về phủ Thiên Trường xưa được khảo sát tập trung trong ba bộ phận chính:
Ca dao trữ tình: 10 / 14 câu (chiếm 71,4%), trong đó: ca dao về địa danh, phong vật: 8 / 10 câu (chiếm 80%); ca dao về lịch sử, truyền thống: 2 / 10 câu (chiếm 20%). Trong bộ phận ca dao về địa danh, phong vật thì: có 5 / 8 câu biểu hiện tình yêu quê hương đất nước (chiếm 62,5%) và 3 / 8 câu gắn tình yêu quê hương đất nước với tình yêu nam nữ, hạnh phúc lứa đôi, (chiếm 37,8%).
Ca dao về sinh hoạt lao động, sản xuất: 2 / 14 câu (chiếm 14,3%).
Ca dao về lễ hội, đền chùa: 2 / 14 câu (chiếm 14,3%).
    Đề tài


Số lượng
Ca dao về địa danh, phong vật
Ca dao về lịch sử, truyền thống
Ca dao về sinh hoạt lao động, sản xuất
Ca dao về lễ hội, đền chùa
Tổng số
8
2
2
2
14
Bảng thống số lượng và nội dung ca dao về địa danh phủ Thiên Trường
            Đây chưa phải con số thống kê đầy đủ, hoàn chỉnh, chưa thể làm tái hiện toàn vẹn hình ảnh của phủ Thiên Trường trong mạch chảy chung của lịch sử dân tộc thời đại các vua Trần nhưng cũng góp phần giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sức sống bền bỉ, mãnh liệt của mảnh đất này trong đời sống văn hoá, văn học dân gian Việt Nam. Mảnh đất ấy khi bước vào mạch nguồn ngọt ngào của thơ ca dân gian, được tưới tắm bằng điệu hồn, tiếng lòng của chính người dân xứ sở thì hình ảnh của nó đã thật sự trở nên rõ ràng, đậm nét, trở thành một đối tượng thẩm mĩ trong tâm thức dân gian.

2. Giá trị của ca dao về phủ Thiên Trường xưa
Ca dao là thể loại thơ truyền thống, giữ vai trò quan trọng nhất trong thơ ca dân gian Việt Nam, “có phong cách riêng, được hình thành và phát triển trên cơ sở của thành phần nghệ thuật ngôn từ trong các loại dân ca trữ tình ngắn và tương đối ngắn của người Việt” (Hoàng Tiến Tựu, Văn học dân gian Việt Nam tập 2, NXB Giáo dục, H., 1990; tr 140). Theo Hoàng Tiến Tựu, căn cứ vào đề tài và đối tượng phản ánh mà ca dao được chia thành sáu bộ phận chính: đồng dao (hay ca dao trẻ em), ca dao nghi lễ phong tục, ca dao lao động, ca dao trào phúng (với tiếng cười tự trào và tiếng cười phê phán, châm biếm), ca dao lời ru (ru con hay ru em), ca dao trữ tình (bao gồm các loại đề tài: tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương xứ sở, tình cảm gia đình, đề tài xã hội, lịch sử). Trong đó, bộ phận ca dao trữ tình chiếm số lượng chủ yếu.
Trong hệ thống ca dao gắn với phủ Thiên Trường, rất nhiều tên riêng đã được nhắc tới, từ khái quát tên chung (“chốn Thiên Trường, phủ Thiên Trường) đến cụ thể tên từng địa phương thuộc phủ Thiên Trường (“đất Tức Mặc, Nam Chân, Phương Bông, huyện Giao Thuỷ) hay chi tiết mỗi tên đất tên làng, hình sông dáng núi (“đưòng Vàng sông Ngọc, vũng Thuỷ Tiên, non Côi sông Vị; làng Lạc Nông). Đặc điểm riêng này khi so sánh với những nét chung trong ca dao truyền thống: “Thời gian, địa điểm (…) thường mang tính phiếm chỉ. (…) Sở dĩ như vậy là vì ca dao nhằm hướng về sự phản ánh những tình cảm chung, những tâm trạng phổ biến của nhiều người trong nhân dân(sđd, tr 181) cho thấy: tính chất cụ thể, xác thực đã tạo nên nét đặc trưng tiêu biểu cho mảng thơ ca liên quan đến địa danh lịch sử văn hoá này.
Chúng ta đã biết, núi non có hồn là nhờ vào lịch sử. Theo quan niệm của người xưa, tạo hoá ưu ái cho mảnh đất Thiên Trường vẻ đẹp hài hoà cả hai, vừa mang thần sắc tự nhiên vừa toát lên khí thiêng lịch sử, gần gũi với cuộc sống con người. Đi vào những vần thơ dân gian, phủ Thiên Trường trước tiên được miêu tả là miền đất có phong tục thuần hậu, ghi đậm dấu ấn lịch sử, truyền thống dân tộc:
Đất Tức Mặc chốn Thiên Trường
                        Vốn xưa là đất danh hương lưu truyền                
Danh hương lưu truyền ngàn đời này gắn liền với một trong những triều đại nổi tiếng nhất của chế độ phong kiến Việt Nam: triều đại nhà Trần. Hương Tức Mặc - phủ Thiên Trường là đất phát tích, dấy nghiệp, dựng nghiệp của dòng tộc Đông A. Sự tồn tại của nó theo quan niệm dân gian có mối liên quan mật thiết với quá trình hình thành, hưng thịnh và suy vong của triều Trần:
Hỏi thăm Tức Mặc mà chơi
                                    Nhà Trần thủa ấy mấy đời đế vương
                                                Dù chẳng kinh sống rẽ ngang
                        Ngàn năm luỹ đá, thành vàng khôn lay   
Dựa vào các chứng cứ lịch sử thì, trên đất Nam Định từ thời Trần, rất nhiều kênh mương đã được khơi dòng, tiêu biểu là kênh Phụ Long thuộc huyện Mỹ Lộc. Dòng kênh này chảy thông qua kênh Vị Hoàng, còn có tên gọi là kênh sống, xưa đây là dải đất bằng, duy chỉ có khe nước nhỏ chảy (…) vào cầu Vĩnh Tế (cầu Viềng), vòng quanh làng Tức Mặc, qua cầu Gia Hoà, ra cửa Tiểu Cốc, vào sông An Tiêm” (Trần Thanh Mai (sưu tầm), Thời Trần và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, NXB Mũi Cà Mau, 1998, tr 202). Nhà Trần đã cho đào rộng từ kênh Phụ Long đến sông Vị Hoàng để thông với sông An Lá. Truyền thuyết cho việc này làm đứt long mạch nên cơ nghiệp nhà Trần suy vong. Cách lý giải trong câu ca dao khiến ta liên tưởng đến nội dung truyền thuyết Sự tích ngôi mộ nhà Trần, cho việc vì vô tình làm đứt long mạch “do đào một thuỷ đạo từ sông Cái xã Phú Xuân đi vào, quanh đến xã Thái Đường” (Tổng tập văn học dân gian người Việt tập 5 (Truyền thuyết dân gian người Việt), NXB Khoa học xã hội, H., 2004, tr 26) khiến nhà Trần bị suy, rồi bị Xích chuỷ hầu (Hồ Quý Ly) thoán đoạt. Như vậy, xung quanh nguyên nhân triều đại nhà Trần bị mất ngôi, có rất nhiều truyền thuyết với những dị bản khác nhau gắn liền với từng địa danh lịch sử; thể hiện cái nhìn duy tâm tôn giáo, dựa vào tín ngưỡng, phong thuỷ. Bên cạnh đó, nội dung bài ca dao còn nêu lên một cách đánh giá lịch sử đầy tính nhân văn:
                                    Dù chẳng kinh sống rẽ ngang
                        Ngàn năm luỹ đá, thành vàng khôn lay
Trong tâm thức dân gian, nhà Trần dù trong quá trình tồn tại còn chứa đựng nhiều hạn chế lịch sử và đã để mất ngôi nhưng những thành tựu mà vua quan nhà Trần gây dựng nên vẫn tồn tại muôn đời cùng thời gian. Chính cách đánh giá thấu tình đạt lý này đã góp phần làm nên dấu ấn muôn đời của dòng tộc Đông A và mảnh đất quê hương của họ trong đời sống văn hoá, tinh thần người Việt.
Phủ Thiên Trường là địa danh lịch sử, đồng thời cũng là miền đất văn hoá. Miền đất ấy trong thơ ca truyền miệng cũng có cảnh sắc thiên nhiên nên thơ, hữu tình, nhân tài vật lực phong phú. Tất cả được tạo dựng nhờ khí thiêng sông núi (“Nhờ ơn phong thổ hiển vinh trên đời) và truyền thống lịch sử của địa phương. Mỗi làng quê, thôn xóm được miêu tả đều như một bức tranh “châu tiên tuyệt vời với non xanh nước biếc, sơn chầu thuỷ tụ:
Núi non chầu lại bốn bên
                                    Mênh mang nước biếc, châu tiên tuyệt vời
            Ở đó vừa có vẻ hùng vĩ, hiểm trở, tiêu biểu cho cảnh quan thiên nhiên đất nước:
                                                Nhất cao là núi Tản Viên
                                    Nhất sâu là vũng Thuỷ Tiên cửa Vường
Vừa mang nét bình dị, ấm êm của cuộc sống dân dã đời thường:
                                                Non xanh nước biếc hữu tình
                                    Lúa đồng bát ngát rung rinh bốn mùa
            Lại có sự phong phú về nhân tài vật lực với “người lắm của giàu, hoa màu xiết bao, quan dân tốt lành. Con người là tài sản vô giá của mảnh đất Thiên Trường địa linh nhân kiệt. Họ không chỉ là những anh hùng hào kiệt từng xông pha trận mạc bảo vệ quê hương như Trần Hưng Đạo với tư thế hiên ngang:
Quê hương ba vạn Nam Thành
                                    Cửa Son, cửa Lục, cửa Hoành, Đại Giang
                                                Bắc thì An Nghiệp, An Phong
                                    Tả cơ, hữu đội đùng đùng kéo sang
            Mà có khi chỉ là những người thật thà chân chỉ nhà quê. Trong thời bình, họ chăm chỉ hôm sớm với “lưỡi liềm bán nguyệt cầm tay bên mảnh ruộng khoảnh vườn, lại ra sức thi đua “đắp đê hộ thuỷ đương đầu với thiên tai, bão lũ. Khi đất nước có chiến tranh, họ cũng biết xả thân chiến đấu ngăn cản bước chân quân thù giày xéo mảnh đất quê hương. Câu tục ngữ xưa: “Làm quan họ Đặng, đánh giặc họ Trần cất lên từ bao đời nay chính là biểu hiện cho niềm tự hào sâu sắc về truyền thống tranh đấu của những người con dòng tộc Đông A trên đất thiêng Thiên Trường.
của nó có quan hệ mật thiết với ca dao trữ tình về chủ đề khác. Nhiều câu thơ gắn chặt tình yêu quê hương đất nước với tình cảm gia đình và hạnh phúc lứa đôi. Đặc điểm này góp phần tạo nên dấu ấn mang đậm màu sắc trữ tình của địa danh trong văn học dân gian Việt Nam.
Nhân vật trữ tình (trong ca dao tình yêu nói chung và trong ca dao tình yêu gắn với địa danh phủ Thiên Trường nói riêng) là những chàng trai cô gái đang độ tuổi yêu đương. Họ thường tìm đến gặp gỡ nhau trong những khung cảnh dân dã, thân thuộc, gần gũi với thiên nhiên. Khung cảnh ấy vừa đóng vai trò là nơi chốn hẹn hò vừa là bối cảnh trực tiếp làm cho tình yêu đôi lứa nảy nở, phát triển và giúp họ tạo nên những vần thơ dạt dào, tình tứ:
Quê anh ở phủ Thiên Trường
                                    Ở huyện Giao Thuỷ, ở làng Lạc Nông
                                                Em về anh sẽ trả công
                        Em ơi anh trả đầu lòng con trai
Ở đây, phủ Thiên Trường với vẻ đẹp thuần hậu của nó được miêu tả như một bối cảnh hết sức nên thơ cho câu chuyện tình yêu lãng mạn và lời ước hẹn của những đôi lứa yêu nhau. Chính sự gắn kết giữa địa danh với đời sống tâm hồn con người đã tạo nên dấu ấn để thương để nhớ trong lòng người mỗi lúc đi xa:
Anh đi anh nhớ non Côi
            Nhớ dòng sông Vị, nhớ người tình chung
                                                Quản bao non nước ngại ngùng
                                    Lấy ai san sẻ gánh gồng đường xa

Tóm lại: Ở các bài ca dao về phủ Thiên Trường xưa, do có sự hài hòa đan xen giữa chất tự sự và yếu tố trữ tình (trong đó yếu tố trữ tình chiếm vị trí chủ yếu), nên  chúng ta thấy: phủ Thiên Trường với cảnh sắc sinh động, tài vật phong phú thật sự đã trở thành đối tượng thẩm mỹ của tác giả dân gian, bước vào thơ ca dân gian với dấu ấn văn hoá đặc trưng nhất. Phủ Thiên Trường được miêu tả trên nhiều phương diện, đề tài khác nhau (trong đó, đề tài về lịch sử, truyền thống và lễ hội làm nên ý nghĩa lịch sử của địa danh; đề tài về địa danh, phong vật góp phần khẳng định vai trò của bậc thứ kinh trong lịch sử phong kiến Việt Nam thế kỉ XIII - XIV và đặc biệt, đề tài về tình yêu đôi lứa giúp tạo nên màu sắc trữ tình biểu hiện sức sống, sự nên thơ, lãng mạn của địa danh). Vẻ đẹp của nó được phác lên bằng những nét vẽ rất chân thực, cụ thể, mộc mạc; biểu hiện qua ngôn ngữ bình dị, gần gũi với lời ăn tiếng nói nhân dân. Cũng bởi thế, sự hiện hữu của địa danh này trong ca dao rất cụ thể, sinh động, gần gũi, vừa gắn liền với các nhân vật và triều đại lịch sử vừa thân quen, gắn bó với nhân dân địa phương. 

PHẠM THỊ MINH TÂM, (2014)


PHỤ LỤC CA DAO VỀ PHỦ THIÊN TRƯỜNG XƯA

1.                     Anh đi anh nhớ non Côi
            Nhớ dòng sông Vị, nhớ người tình chung
                        Quản bao non nước ngại ngùng
            Lấy ai san sẻ gánh gồng đường xa
2.                     Ba năm vua mở khoa thi
            Đệ Nhất thi hát, Đệ Nhì thi bơi
3.                     Dù ai buôn xa bán xa
            Hai mươi tháng Tám giỗ Cha thì về
                        Đệ Tam thi đánh cờ người
            Phương Bông, Đệ Tứ mồng mười tháng Ba
4.                     Đất Tức Mặc chốn Thiên Trường
            Vốn xưa là đất danh hương lưu truyền
                        Núi non chầu lại bốn bên
            Mênh mang nước biếc châu tiên tuyệt vời
5.                     Hỏi thăm Tức Mặc mà chơi
            Nhà Trần thủa ấy mấy đời đế vương
                        Dù chẳng kinh sống rẽ ngang
            Ngàn năm luỹ đá, thành vàng khôn lay
6.                     Làng Chủ người lắm của giàu
            Mười tám xóm ở, hoa màu xiết bao
                        Lại xem tài lực giỏi sao
            Đắp đê, hộ thuỷ nơi nào cũng thua
7.                     Lệnh sai ông tiết chế ra
            Các quan thuỷ bộ cũng là chư dinh
                        Quê hương ba vạn Nam Thành
            Cửa Son, cửa Lục, cửa Hoành, Đại Giang
                        Bắc thì An Nghiệp, An Phong
            Tả cơ, hữu đội đùng đùng kéo sang
                        Lá cờ ngọn kiếm gia ban
            Đánh Đông dẹp Bắc lấy an nước nhà
8.                     Nhất cao là núi Tản Viên
            Nhất sâu là vũng Thuỷ Tiên cửa Vường
9.                     Non xanh nước biếc hữu tình
            Lúa đồng bát ngát rung rinh bốn mùa
10.                   Những trông lúa chín mà vui
            Bông ngả, bông cúi, bông thời gió lay
                        Lưỡi liềm bán nguyệt cầm tay
            Lúa vàng nghìn gốc, muôn cây thu về
11.                   Phương Bông đất nước làng mình
            Nhờ ơn phong thổ hiển vinh trên đời
                        Trai lành, gái tốt đương thời
            Kẻ được rượu thánh, người ngồi cờ tiên
                        Lão già mạnh khoẻ bình yên
            Ơn trên thánh thượng tối linh phù trì
12.                   Quê anh ở phủ Thiên Trường
            Ở huyện Giao Thuỷ, ở làng Lạc Nông
                        Em về anh sẽ trả công
            Em ơi anh trả đầu lòng con trai
13.                   Tình sâu không quản đường xa
            Nhà anh cao rộng cũng là nhà em
                        Nhà anh có con sông êm
            Cho em tắm mát những đêm mùa hè
14.                   Xứ Nam nhất có Nam Chân
            Đường Vàng, sông Ngọc, quan dân tốt lành


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.             Ca dao, tục ngữ Nam Hà, Ty Văn hoá Nam Hà, 1975
2.             Nguyễn Văn Huyền, Nét đẹp Thiên Trường, in trong Thiên Trường (Kỉ niệm 10 năm thành lập CLB Thiên Trường - TP Nam Định) - CLB Thiên Trường, Nam Định, 1993
3.             Trần Thanh Mai (sưu tầm), Thời Trần và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, NXB Mũi Cà Mau, 1998
4.             Nguyễn Đăng Na (chủ biên), Văn học trung đại Việt Nam tập 1, NXB Đại học Sư phạm, H., 2006
5.             Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, H., 1971
6.             Hoàng Tiến Tựu, Văn học dân gian Việt Nam tập 2, NXB Giáo dục, H., 1990
7.             Phạm Vĩnh, Nam Định, đất nước, con người, NXB Văn hóa thông tin, H., 1999
8.             Tổng tập văn học dân gian người Việt tập 5 (Truyền thuyết dân gian người Việt), NXB Khoa học xã hội, H., 2004