Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2009

Tản mạn nhân suy nghĩ về những phẩm chất Nho giáo tiên Tần

Khác các học thuyết triết học phương Tây, triết học phương Đông nói chung và đặc biệt là Nho giáo nói riêng, luôn xem xét con người trong tổng hoà các mối quan hệ xã hội. Ở Nho giáo, chúng ta thấy không có một con người cá nhân, một cái tôi tách khỏi xã hội.

Xét trong mọi mối quan hệ, Nho giáo (mà Khổng Tử là đại diện tiêu biểu nhất - người mà 2500 năm trước đã được mệnh danh là VẠN THẾ SƯ BIỂU) yêu cầu mỗi cá nhân phải lấy mình làm mốc mà yêu cầu đối với người. Và đúng như lời nhận định: “Nhân, nghĩa, lễ, trí, hiếu, đễ, trung, tín là những phẩm chất do Nho giáo trước Tần đề xuất, tất nhiên khó tránh khỏi mang dấu ấn thời đại và giai cấp. Tuy nhiên, về cơ bản, nhìn chung những phẩm chất ấy cũng có những giá trị vượt thời đại và mang tính phổ quát toàn nhân loại”. Thật vậy, khi Nho giáo cung cấp được một hệ tư tưởng lấy kỷ cương và phục tùng làm gốc thì điều đó đáp ứng được một trong những yêu cầu cơ bản của hiện đại hoá. Nhất là khi Nho giáo giúp cho mỗi người biến kỷ cương và phục tùng thành một ý thức tự giác của cá nhân mà không phải do áp đặt từ bên ngoài thì nó cũng rất cần thiết. Căn cứ vào việc phân tích bốn phẩm chất lễ, hiếu, đễ, trung, chúng ta sẽ thấy rõ đặc điểm này.

Theo quan niệm Nho giáo, mọi người trong xã hội đều bị trói buộc bởi năm mối quan hệ tự nhiên đó là: cha – con, vợ - chồng, anh – em, vua – tôi, bạn – bè. Năm mối quan hệ này phản ánh hai mặt của cuộc sống hiện thực là quan hệ gia đình và quan hệ xã hội.

Trong gia đình, mỗi người phải biết giữ gìn và tuân theo lễ. Vì lễ nên giữ được hoà khí, trong nhà chẳng ai ghét, trong xã hội chẳng ai oán mình. Trong việc lễ, quý nhất là ở lòng thành, tín thực với thân thuộc chứ không phải ở hình thức xa hoa, loè loẹt. Khắc kỷ, phục lễ chính là người nhân.

Nho giáo cũng khẳng định nếu xây dựng được một gia đình hoà thuận, con cái biết hiếu đễ, cha mẹ biết từ nhượng thì đó cũng là làm chính trị rồi (do đó làm chính trị không cứ là phải ra làm quan). Như vậy, ngoài lễ, con người còn cần phải hiếu và đễ. Hiếu là cái đạo đối với phụ mẫu (thờ cha mẹ lúc chết cũng như sống, lúc cha mẹ mất mà tưởng như hãy còn), đễ là cái đạo đối với anh chị em (mỗi người phải ăn ở đúng phận mình, anh ra anh, em ra em). Theo Nho giáo, hiếu đễ là đầu mối của lòng nhân.

Nho giáo quan niệm gia đình như cái nước nhỏ, có vị trí quan trọng trong sự ổn định của xã hội. Vì vậy những hành vi ứng xử và giao tiếp của mỗi thành viên trong gia đình được quy định rất chặt chẽ, phụ thuộc danh phận từng người. Những quy định này, nếu loại bỏ yếu tố bảo thủ, mất dân chủ thì cho đến nay vẫn còn giá trị.
Ở một mặt nào đó có thể nói rằng những tư tưởng trên của Nho giáo phù hợp với cương lĩnh xây dựng đất nước của chúng ta. Chúng ta coi “gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng trong giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách”. Gia đình có vai trò quan trọng trong việc xây dựng thành công nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự tốt xấu của mỗi gia đình đều ảnh hưởng tới sự ổn định của xã hội, sự chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch hoá sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang tiến hành.

Từ lễ, hiếu, đễ trong quan hệ gia đình, con người mở rộng mối quan hệ ra ngoài xã hội. Và phẩm chất đầu tiên của con người (đặc biệt là người quân tử) được Nho giáo đề cao chính là trung. Vì trung nên giao du với bằng hữu thì hết lòng, làm việc cho người thì hết dạ. Nhưng cái trung đó không phải là lòng trung máy móc và thiển cận (ngu trung). Bậc quân tử ngay cả lúc phụng sự vua đâu phải vì cá nhân nhà vua, là chính là vì lẽ ĐẠO. Nếu vua mà vô đạo thì không cần trung.

Một ví dụ điển hình là ở Nhật Bản, không phải chữ nhân mà chính chữ trung được coi là trung tâm. Trước kia trung thể hiện ở sự trung thành đối với thiên hoàng thì bây giờ trung trước hết là lòng trung thành với sự nghiệp hiện đại hoá do thiên hoàng khởi xướng. Chữ trung được hiện đại hoá là như thế. Hơn nữa trung với tư cách một khái niệm luân lý giờ lại gắn với trung với tư cách đạo lý chủ yếu của Khổng giáo. Mặt khác trung được gắn với thiên mệnh (mà biết đến mệnh trời là đạt đến đỉnh đạo lý cao nhất). Như thế, cả luân lý và đạo lý Nho giáo đều có tác dụng trong tiến trình hiện đại hoá - một tiến trình đòi hỏi kỷ cương và sự phục tùng cao.

Tóm lại, thực tế những lý tưởng nhân đạo, khát vọng hoà bình của Nho giáo là “những tri thức rất cơ bản, làm cơ sở cho việc giải quyết các vấn đề ngày nay nhiều người quan tâm, liên quan đến con đường phát triển của xã hội ta” (Trần Đình Hượu - “Nho giáo đã trở thành vấn đề như thế nào với nước Việt Nam ngày nay” – Văn hoá và đời sống, tr11 - TP HCM, 1992), là lý tưởng và khát vọng của chúng ta hiện nay. Mặc dù bị hạn chế về lịch sử song một số tư tưởng cũng như biện pháp mà Nho giáo đề ra cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Cũng giống như Nho giáo, hiện nay chúng ta đã và đang ra sức phấn đấu cho một thế giới hoà bình, cho sự bình đẳng của mọi dân tộc trên toàn thế giới. Bởi vậy nên việc kế thừa các tư tưởng nhân văn trong ứng xử và giao tiếp giữa người với người của Nho giáo là một việc làm hết sức cần
thiết.

PHẠM THỊ MINH TÂM, (04.2007)
---

Năm 2008, đến Phương Mai thăm bác Lan. Bác chỉ tay lên tường nói:
- Tâm, đọc cho bác dòng chữ này
Mò mẫm, lục lọi trong trí nhớ một hồi (cùng với sự trợ giúp của bác), tôi đã đọc ra dòng chữ đó, viết rất đẹp theo lối thư pháp: VÔ SƯ TRI VI TÔN.
Đọc xong rồi, bác bắt tôi dịch. Ngay từ đầu, tôi nhớ thẳng đến câu tục ngữ Việt Nam: KHÔNG THẦY ĐỐ MÀY LÀM NÊN.
Thế nhưng, ý nghĩa của câu thành ngữ chữ Hán này hoàn toàn khác và sâu xa hơn nhiều: TRI THỨC TỰ MÌNH TÌM HIỂU, KHÔNG NHỜ TỚI SỰ TRỢ GIÚP CỦA NGƯỜI THẦY LÀ ĐÁNG ĐƯỢC ĐỀ CAO NHẤT.
Tôi thích nhất 2 chữ: TRÍ và HÒA trong Hán tự. Chép lại vào đây 1 bài viết nhỏ:


THIẾU NỮ ĐÁNH CỜ VÂY - SƠN TÁP
- Cuộc đời là một vòng luẩn quẩn, ngày hôm kia gắn với hôm nay để xua đuổi hôm qua. Chúng ta tưởng mình sẽ tiến lên trong thời gian nhưng thực ra vẫn là tù nhân của quá khứ! (SƠN TÁP)

- Người lính là kẻ huỷ hoại hạnh phúc của những người thân. Nếu cuộc sống của tôi là có ích, chắc Tổ quốc phải chịu ơn sự hy sinh của một người đàn bà. (SƠN TÁP)

Mình yêu những trang văn nhẹ nhàng mà tinh tế của Sơn Táp. Mình say mê, đắm chìm vào cuộc khám phá những góc, nẻo tâm hồn chàng sỹ quan người Nhật trong câu chuyện tình đẹp mà bi thảm này.

Cả câu chuyện là một cuộc đối đầu, đối thoại, tìm kiếm. Những trang sách giống như một bàn cờ vây mà trong đó mỗi tình tiết là một nước đi.

Hai nhân vật chính là hai người chơi. Trong cuộc chơi này, cái họ kiếm tìm không phải men say chiến thắng mà là sự giải mã tâm hồn người đối diện.

Họ song song tồn tại suốt gần ba trăm trang chuyện. Ngay cả khi gắn kết nhau bởi một tình yêu chân thành, giữa họ vẫn là cả bức tường thành ngăn cách.

Thì ra là thế! Cuộc đời con người là một hành trình dài trải nghiệm và tìm kiếm. Sẽ có câu trả lời nhưng không bao giờ trọn vẹn.

Mình nhớ hồi năm thứ nhất Đại học, khi học văn học Nhật Bản, cô giáo trẻ - TS Nguyễn Mai Liên đã nhắc tới khu vườn đá nổi tiếng, một thắng cảnh của xứ sở mặt trời mọc. Trong khu vườn ấy có bày 100 phiến đá. Điều đặc biệt là dù đứng ở bất kỳ vị trí nào, du khách cũng chỉ đếm được 99 viên. Ý nghĩa ở đây là gì? (Hẳn tư duy người Nhật sẽ đưa nhiều cách biện giải. Còn riêng mình nghiêng về khía cạnh “bất thập toàn trong thế giới quan, nhân sinh quan”).

Mình rất yêu chữ HOÀ. Ai đã từng nói câu Cái đẹp là sự hài hoà. Thật là một triết lý tuyệt vời. Đơn giản mà sâu sắc! Trong lối sống, theo mình, HOÀ khác hẳn với TRUNG DUNG - lối sống ở ngã ba đường (“ba phải” theo cách nói dân gian Việt Nam) cốt đạt được sự yên ấm cho cá nhân bản thân (mà nòng cốt là quan điểm: dĩ hòa vi quí) (bất giác nhớ tới từ SELFFISH trong Anh ngữ).
---

Tôi không ủng hộ quan điểm DĨ HÒA VI QUÍ. Nhưng tôi vẫn yêu chữ HÒA, xét trên một phương diện khác. HOÀ là dung hoà, tương hợp (biết lấy thế mạnh của mình tôn cái xung quanh, lấy cái xung quanh bổ khuyết cho hạn chế của mình để cùng vươn tới cái đẹp CHÂN - THIỆN - MỸ). Nhưng sống làm HOÀ khó lắm. Đẹp bởi HOÀ lại càng khó hơn…



TƯ LIỆU: http://vn.myblog.yahoo.com/minhtam060284/article?mid=1

1 nhận xét:

  1. Chào bạn,

    Bạn là người có tâm hồn phong phú, rất đáng yêu !

    Trịnh Sơn

    VFCD

    Trả lờiXóa