Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

Kiêu hãnh và định kiến - Jane Austen

TÌM LẠI LÒNG YÊU ĐỜI VÔ TƯ TRONG VĂN HỌC CỔ ĐIỂN - Vương Trí Nhàn


Tính đến cuối năm 2002 thì có dễ đến hơn hai năm, một người Nga tôi quen, chị Tachiana Filimonova, mới có dịp đến Hà Nội công tác. Với một người nước ngoài từng nhiều năm nghiên cứu về Văn học Việt Nam, những chuyến đi như thế này là mải miết lắm, có bao nhiêu việc phải làm, nào đọc thêm những tác phẩm mới in mà ở bên Moskva không thể tìm, nào gặp gỡ những người quen cũ (chị rất mê Nguyễn Huy Thiệp và thường coi việc chuyện trò với tác giả Tướng về hưu là một niềm vui riêng chỉ Hà Nội mới có). Vậy mà có lần khi tôi ngẫu nhiên hỏi Filimonova mấy hôm nay đọc gì, thì chị thành thật cho hay:

- Tối tối, tôi đọc lại bản tiếng Nga cuốn Kiêu hãnh và định kiến.

Nhìn nét mặt tôi - có lẽ lúc đó không giấu được vẻ ngớ ra không hiểu của mình - Filimonova nói thêm:

- Đấy là một tiểu thuyết Anh thế kỉ 18, tác giả là Jane Austen.

Quay trở về, tôi cứ vương vấn mãi về câu chuyện một người Nga, khi một mình làm việc trên mảnh đất xa xôi tận mãi Hà Nội, lại cảm thấy những vui buồn của mình được cảm thông qua một tiểu thuyết Anh viết từ hơn hai thế kỉ trước.

Lâu nay thường chúng tôi chỉ lo đọc những gì có liên quan trực tiếp đến đời sống và công việc trước mắt của mình, chẳng hạn đến Nga thì lo đọc sách viết về Nga, sang Trung Quốc thì sục tìm các tài liệu có liên quan đến Trung Quốc. May mắn lắm có thời gian rỗi thì bảo nhau đi tìm những tác giả đang ăn khách đang được đồn thổi trong lớp bạn đọc nhạy cảm, cốt để đừng có lạc lõng với thế giới đương đại.

Có thể tạm xem đó là hai đặc điểm trong cách thưởng thức văn chương của nhiều người, nó cũng là một bộ phận trong cái tạm gọi là phong cách sống của thời đại.

Đọc cũng như ăn, ta cốt thiết thực, chỉ "tiêu hóa" được những gì "tươi sống" có liên quan ngay tới nhu cầu trực tiếp của mình.

Được hình thành từ một cuộc sống chật vật khó khăn, cái sự thiết thực đó vốn có cái lí riêng của nó.

Song lâu dần nó được đẩy lên thành cách sống cách nghĩ duy nhất và đồng nghĩa với sự vụ lợi. Nó làm nghèo chúng ta đi. Chúng ta dễ dàng bỏ qua cả một gia tài văn chương quá khứ mà mỗi người biết rất ít. Cũng như hàng ngày chúng ta bỏ qua những vui buồn hồn nhiên pha chút hư vô toát lên từ cái nhịp sống vốn có từ muôn đời của cả nhân loại.
...
---

Lâu thật lâu. Nay tôi thấy lại cảm giác bị cuốn theo dòng suy nghĩ. Rất khó để nắm bắt trở lại thực tại ngay sau đó. Nhưng những gì nắm bắt được lại thật đáng giá...
(ĐH)
---

Bật màn hình, tôi chỉ thấy dòng chữ cuối cùng còn lại: "Nếu bạn nhìn đúng cách, bạn sẽ thấy cả thế giới là một khu vườn". Bộ phim này tôi được xem lần đầu vào một trưa Tết gần 15 năm trước, khi mới là cô học sinh lớp 6. Mở đầu buồn và kết thúc vui. Y hệt những câu chuyện cổ tích từ ngàn xưa truyền lại. Nhiều đổi thay, biến cố nhưng kết cục hầu như bao giờ cũng có hậu...
Tôi yêu truyện cổ tích.

Đang chìm đắm trong những con chữ, bài viết, tự nhiên bên tai tôi vang lên dòng_lời_nói: "Nuôi dưỡng cảm xúc chính là cách để ta duy trì mối quan hệ. Với những người đã có gia đình, mối quan tâm của họ chính là người chồng hay người vợ. Với những người còn lại, sự quan tâm họ giành cho người mình thương yêu nhất. Nhưng đôi khi, chính cách mà ta quan tâm lại khiến người ta yêu thương bị nhiều thương tổn".
Tôi đọc lại gần như nguyên văn dòng_lời_nói ấy với cô bạn xinh xắn và sinh động ngồi kề bên. Em nói em nghĩ tới câu văn của Nguyễn Khải: "Người ta sống, yêu nhau và làm cho nhau đau khổ" (mà nguyên văn là: Người ta làm việc, người ta thân thiết nhau, yêu nhau và làm cho nhau đau khổ) và tỏ ra tâm đắc với điều này.

Lang thang bên những kệ sách trong Thư viện. Cố tình chọn nơi tra cứu sát khung cửa sổ để thỉnh thoảng được thấy màu xanh cơm nguội và nghe một tiếng chim như lệ thường, tôi bắt gặp Jane Austen với Pride and prejudice. Một người quen tên mà lạ mặt, lạ tiếng.
Tôi mang Kiêu hãnh và định kiến về nhà. Khoảng không gian làng quê và gia đình chật hẹp với những cuộc dạ vũ, những buổi chuyện phiếm kéo dài hàng giờ, hàng buổi trong câu chuyện khiến tôi cảm giác nghẹt thở. Nhưng đôi mắt huyền, cá tính mạnh mẽ và cuộc tình sôi nổi của "cô tiểu thư nông dân" Lizzy với chàng quý tộc Darcy quả thực có sức lôi cuốn diệu kì.



5 nhận xét:

  1. Mình cũng rất ghiền "Pride and Prejudice", đến nỗi nghĩ là mai mốt có con trai sẽ đặt tên nó là Darcy :).

    Trả lờiXóa
  2. Mình cũng thích 1 mẫu hình như Darcy. Vậy sẽ có 2 bé trai là Darcy nhé, ^^

    Trả lờiXóa
  3. Đồng ý hai tay hai chân luôn! :-) Mình rất ấn tượng bức thư mà Darcy viết cho Elizabeth. Chữ Darcy được miêu tả rất là đẹp và cao nhã, còn lời lẽ anh viết ra thì ôi thôi mình đọc cứ là cả khối óc với con tim cứ bừng bừng lên. Khi đó mình như được hóa thân vào Lizzy, cảm thấy điều mà Lizzy cảm thấy. Mình ước gì mai mốt mình có con trai và nó cũng viết chữ thật đẹp, ngôn từ thì lịch duyệt... giống Mr. Darcy vậy :). Bức thư của Darcy ở đây: http://www.theloiterer.org/ashton/year00/darcylet.html

    Trả lờiXóa
  4. Cám ơn Nhan Tran!
    Mình thì rất thích những con người như Darcy: không kiểu cách, cá tính, chân thành và sống động, và đặc biệt kiên định với lập trường, tình yêu, biết theo đuổi tới cùng lập trường, tình yêu đó...
    Mình thích cách Darcy ứng xử sau khi nhận được sự từ chối thẳng thừng và khiếm nhã của Lizzy. Thật sự lịch thiệp và quân tử. Rất Darcy!

    Trả lờiXóa
  5. "Rất Darcy!" Đúng rồi! Ui, hai chị em mình mà cứ khen anh chàng này thì khen cả buổi không hết! :)

    Trả lờiXóa