Thứ Tư, 28 tháng 3, 2018

TRIỀU ĐẠI NHÀ TRẦN TRONG LỊCH SỬ DÂN TỘC



Trong sự tồn tại hơn hai trăm năm mà phần lớn là thịnh trị (với một số vua thánh hiền đầu triều như Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông), nhà Lý đã đưa đất nước ta bước vào thời kỳ phục hưng và trở thành một nước văn hiến với thiết chế chính trị - xã hội quy củ, nhân tài lỗi lạc ở nhiều lĩnh vực. Tuy vậy, từ nửa sau thế kỷ XII, nhà Lý ngày càng sa sút. Năm 1175, vua Lý Anh Tông mất, thái tử Long Cán chưa đầy ba tuổi lên ngôi, tức Lý Cao Tông. Cao Tông lớn lên ham mê chơi bời, bỏ bê việc nước, để quyền hành rơi vào tay bọn cận thần mọt nước hại dân. Hậu quả là sang đầu thế kỷ XIII, chính quyền trung ương trở nên bất lực trước cuộc suy thoái về kinh tế và hỗn loạn về chính trị. Thiên tai, mất mùa, đói kém xảy ra liên tiếp. Các thế lực cát cứ nổi lên khắp nơi đánh giết lẫn nhau, cướp bóc bừa bãi. Ngoài biên thùy, Chiêm Thành và Chân Lạp thường xuyên quấy phá. Đế quốc Mông Cổ cũng đã tung vó ngựa sang phía Đông, chiếm Triều Tiên, chuẩn bị xâm lược Trung Hoa và các nước phía Nam. Lúc này, nước Đại Việt “đã hình thành ba thế lực phân cát lớn là: họ Đoàn (Hải Dương và Hải Phòng), họ Trần (Nam Định, Thái Bình và Nam Hưng Yên), họ Nguyễn (Quốc Oai - Hà Tây) [ Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn (chủ biên), Đại cương lịch sử Việt Nam toàn tập (Từ thời nguyên thủy đến năm 2000), NXB Giáo dục, H., 2005; tr 168]. Khoảng năm 1208 - 1209, triều đình có biến, hoàng thái tử Sảm (sau là Lý Huệ Tông) đã chọn thế lực họ Trần làm nơi nương tựa. Chính tại Lưu Gia thôn (thôn Lưu Xá - xã Canh Tân - huyện Hưng Hà - tỉnh Thái Bình), một thiên tình sử giữa thái tử họ Lý với Trần Thị Dung - cô thôn nữ con gái Trần Lý đã diễn ra, đưa họ Trần trở thành ngoại thất của nhà Lý. Lấy danh nghĩa giúp cơ đồ nhà Lý đang nghiêng ngả, họ Trần đã dùng hương binh khắp vùng hạ lưu sông Hồng phá vỡ các thế lực phân cát rồi từng bước tiến sâu vào triều nội. Lý Huệ Tông và Trần Thị Dung không có con trai, chỉ có hai người con gái: công chúa thứ nhất đã gả cho Trần Liễu. Huệ Tông đành lập công chúa thứ hai là Chiêu Thánh làm thái tử. Cuối năm 1224, họ Trần bức Huệ Tông nhường ngôi cho Chiêu Thánh (mới bảy tuổi), tức Lý Chiêu Hoàng. Huệ Tông ra tu ở chùa Chân Giáo. Năm 1225, với sự sắp xếp của Trần Thủ Độ - em họ Trần Thừa, nhà chính trị lão luyện, Lý Chiêu Hoàng - vị nữ vương cuối cùng của triều đại nhà Lý đã cởi áo hoàng bào nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh (con trai đầu Trần Thừa, khi ấy mới tám tuổi) trước sự chứng kiến của bá quan văn võ tại điện Thiên An. Họ Trần lấy được thiên hạ một cách êm thấm.


Triều đại nhà Trần kể từ Trần Thái Tông đến Trần Thiếu Đế là mười hai đời vua, trị vì 175 năm (từ năm 1225 đến năm 1400), theo thể chế nhà nước quân chủ chuyên chế, các vua theo định chế cha truyền con nối. Ngoài ra còn phải kể đến hai vị vua thời Hậu Trần là Giản Định Đế và Trùng Quang đế. Triều đại này được ghi nhận là có bước tiến xa so với lịch sử trước và sau đó về chiến lược con người. Những tướng lĩnh tài ba, những nhà văn hoá tư tưởng được trọng dụng đều thực sự có tài năng, đức độ, dù rằng nguồn gốc xuất thân là gia nô, nô tỳ, bình dân hay hoàng thân quốc thích. Với quan điểm: “Không có tài thì không giao chức tước dù là con cháu ông hoàng bà chúa” nên triều đình nhà Trần đã tập hợp được một bộ máy quan lại đủ năng lực quản lý đất nước trên mọi lĩnh vực. Trần Thánh Tông còn cho rằng: “Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông, người nối nghiệp tổ tông nên cùng với anh em trong họ cùng hưởng phú quý, tuy bên ngoài là cả thiên hạ phụng sự một người tôn quý, nhưng bên trong ta cùng các khanh là đồng bào ruột thịt, lo thì cùng lo, vui thì cùng vui” [Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư tập 1, NXB Văn hoá Thông tin, H., 2004; tr 483]. Có lẽ rằng, không có một ông vua nào, một thời kỳ phong kiến nào lại có tư tưởng nhân văn đến thế!


Ngoài ra, một đặc điểm nổi bật nữa của các vua Trần là họ không bao giờ ở lâu ngai vàng, bình quân tới tuổi bốn mươi là nhường ngôi cho con để làm Thái thượng hoàng. Các Thái thượng hoàng thường lui về sống tại cung Trùng Quang thuộc phủ Thiên Trường đồng thời vẫn tiếp tục chú tâm đến chính sự, dìu dắt đức vua trẻ mới lên ngôi.

Nhìn chung, quốc gia Đại Việt dưới triều đại nhà Trần đạt được bước phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực, trở thành cường quốc trong khu vực Đông Nam Á:
Về lĩnh vực kinh tế: Nhà nước rất quan tâm đến sự phát triển nông nghiệp, ban hành nhiều chính sách khuyến nông, xây dựng các công trình thủy lợi, khai hoang mở rộng diện tích canh tác. Nhà vua thường thân hành đi xem cày hay gặt ở các hành cung. Nhờ đó, nhiều năm cả nước được mùa lớn, cuộc sống nhân dân khá ổn định, hình ảnh nông thôn Việt Nam đến đầu thế kỷ XIV đã có những thay đổi lớn lao. Nông nghiệp phát triển còn tạo điều kiện cho việc đẩy mạnh sản xuất thủ công nghiệp đời Trần với nhiều ngành nghề: dệt lụa, làm đồ gốm, luyện kim, đồ mĩ nghệ. Từ đây dẫn đến việc buôn bán trong nước cũng phát đạt (Thăng Long là một thị trấn buôn bán và thủ công nghiệp sầm uất, nhộn nhịp; Vân Đồn trở thành thương cảng quan trọng buôn bán rộng rãi với thuyền buôn nước ngoài).
Về lĩnh vực xã hội: Chế độ xã hội thời Trần mang nhiều đặc điểm của chế độ phong kiến phương Đông, thể hiện ở mấy điểm: chế độ sở hữu kép về ruộng đất, sự bóc lột địa tô hiện vật; sự tồn tại với vai trò hết sức quan trọng của cộng đồng làng xã; sự phát triển lớn mạnh của chế độ điền trang thái ấp. Đầu thời Trần, các giai tầng trong xã hội đều phải đứng trước hai nhiệm vụ cơ bản là dựng nước và giữ nước mà trước hết là cuộc chiến tranh giữ nước nên đã đoàn kết bên nhau chống lại kẻ thù chung. Vua quan nhà Trần đã lãnh đạo nhân dân ba lần đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông (vào các năm 1258, 1285, 1288) với nhiều trận đánh nổi tiếng (Chương Dương, Hàm Tử, Bạch Đằng,…), ghi được nhiều chiến công lẫy lừng. Cho tới ngày nay, lịch sử dân tộc vẫn còn ghi danh những vị minh quân như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông,… cùng nhiều tướng lĩnh kiệt xuất như Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão,… Họ chính là những người đã làm vinh hiển cho mảnh đất quê hương Thiên Trường và góp phần làm rạng rỡ thêm trang sử vàng của dân tộc.
Về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật: Chiến thắng giặc Nguyên Mông - bản anh hùng ca vĩ đại của dân tộc đã tạo sức bật cho nền văn hóa nghệ thuật nước nhà vươn lên đạt được những thành tựu rực rỡ. Sáng tác nghệ thuật thời này được mở rộng về chủ đề (không chỉ xoay quanh những vấn đề của đạo Phật như ở thời Lý mà còn hướng đến những vấn đề của đạo Nho và nhất là những vấn đề của đời sống hiện thực, trong đó nổi bật hơn cả là tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng, lòng tự hào dân tộc), đồng thời lại mang bản chất của người sáng tạo ra nó - những người đã làm nên lịch sử. Chính họ “đã tạo cho mình một phong cách khoáng đạt, đơn giản, khỏe khoắn, muốn vươn thoát khuôn khổ lễ nghi để đi vào dòng cảm xúc chân thành của nhân dân, chuẩn bị cho nghệ thuật của những thế kỷ sau này mở ra một chân trời rộng mở” [Trần Thuận, Tư tưởng Việt Nam thời Trần, Luận án Tiến sỹ Lịch sử, TP Hồ Chí Minh, 2003; tr 39).


Tóm lại: Nhà Trần thành lập trên cơ sở sự chuyển giao ngôi báu từ nhà Lý và đã sớm khắc phục những mặt yếu kém do các vua cuối triều Lý tạo ra, nhanh chóng ổn định tình hình, kế thừa và phát huy những thành quả triều Lý đã đạt được để xây dựng một xã hội phát triển về mọi mặt và đã tạo nên những chiến công vang dội trong sự nghiệp chống ngoại xâm.
Từ những thành tựu mà vua quan và nhân dân nhà Trần đạt được trong suốt gần hai thế kỷ, chúng ta thấy được vai trò to lớn của mảnh đất hương Tức Mặc - phủ Thiên Trường, đất phát tích, quê hương và đất thang mộc của các vua Trần. Mảnh đất này đã sản sinh ra dòng họ Trần và ngược lại chính các vua Trần và thái thượng hoàng nhà Trần đã làm cho quê hương mình xứng đáng với tầm vóc một đế kinh nổi tiếng trong lịch sử.

1 nhận xét: