Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

The faith

BẠN cảm thấy bây giờ mọi giá trị đều bị đảo lộn. Và do vậy, trong cuộc sống, theo BẠN, con người ta thường cần tới đức tin.
Tôi chợt nhớ tới một bài luận mới được đọc, viết cho thiếu nhi - Không sợ sai lầm

Bạn ơi, nếu bạn muốn sống một đời mà không phạm chút sai lầm nào, làm gì được nấy, thì đó hoặc là bạn ảo tưởng, hoặc là bạn hèn nhát trước cuộc đời.
Một người mà lúc nào cũng sợ thất bại, làm gì cũng sợ sai lầm là một người sợ hãi thực tế, trốn tránh thực tế, và suốt đời không bao giờ có thể tự lập được. Bạn sợ sặc nước thì bạn không biết bơi; bạn sợ nói sai thì bạn không nói được ngoại ngữ! Một người mà không chịu mất gì thì sẽ không được gì. Sai lầm cũng có hai mặt. Tuy nó đem lại tổn thất, nhưng nó cũng đem đến bài học cho đời.
Khi tiến bước vào tương lai, bạn làm sao tránh được sai lầm? Nếu bạn sợ sai thì bạn chẳng dám làm gì. Người khác bảo bạn sai chưa chắc bạn đã sai, vì tiêu chuẩn đúng sai khác nhau. Lúc đó bạn chớ ngừng tay, mà cứ tiếp tục làm, dù cho có gặp trắc trở. Thất bại là mẹ của thành công.
Tất nhiên bạn không phải là người liều lĩnh, mù quáng, cố ý mà phạm sai lầm. Chẳng ai thích sai lầm cả. Có người phạm sai lầm thì chán nản. Có kẻ sai lầm rồi thì tiếp tục sai lầm thêm. Nhưng có người biết suy nghĩ, rút kinh nghiệm, tìm con đường khác tiến lên.
Những người sáng suốt dám làm, không sợ sai lầm, mới là người làm chủ số phận của mình.


Niềm tin vào chính bản thân có lẽ là điều quan trọng nhất, trên hành trình chúng ta tìm kiếm đức tin để nhìn vào xung quanh, nhìn vào cuộc sống, với con người...
Mỗi lần ta mất niềm tin là một lần thang giá trị cuộc sống nâng cao thêm một bậc. Và quĩ thời gian của ta lại thu hẹp thêm chút ít, để ta mải miết đi tìm lại những thứ vốn dĩ thuộc về mình, mà tự nhiên vuột mất. Có thể tại ta. Có thể tại ai khác. Nhưng sau cùng, người thương tổn vẫn chỉ là ta.

---

LỜI MẸ DẶN - Phùng Quán

Tôi mồ côi cha năm hai tuổi
Mẹ tôi thương con không lấy chồng
Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải
Nuôi tôi đến ngày lớn khôn
Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ
Ngày ấy tôi mới lên năm
Có lần tôi nói dối Mẹ
Hôm sau tưởng phải ăn đòn
Nhưng không Mẹ tôi chỉ buồn
Ôm tôi hôn lên mái tóc
- Con ơi - Trước khi nhắm mắt
Cha con dặn con suốt đời
Phải làm một người chân thật.

- Mẹ ơi chân thật là gì?
Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu.

Từ đấy người lớn hỏi tôi:
- Bé ơi, bé yêu ai nhất?
Nhớ lời mẹ tôi trả lời:
- Bé yêu những người chân thật.
Người lớn nhìn tôi không tin
Cho tôi là con vẹt nhỏ
Nhưng không! những lời dặn đó
In vào trí óc của tôi
Như trang giấy trắng tuyệt vời
In lên vết son đỏ chói.

Người làm xiếc đi giây thật khó
Nhưng chưa khó bằng nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.

Năm nay tôi hai mươi nhăm tuổi
Đứa bé mồ côi thành nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.

Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu

Tôi muốn làm nhà văn chân thật
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.


TƯ LIỆU : Văn, NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội - 1957
12:01, 24/04/2011

4 nhận xét:

  1. Không nhất thiết vì mọi giá trị đảo lộn (hoặc những lý do bên ngoài) nên con người ta mới cần tới đức tin. Cần đức tin có khi là một nhu cầu nội tại.

    Trả lờiXóa
  2. Nhưng rõ ràng khi có một tác động ngoại diên, nhu cầu ấy mới hé lộ. Còn thông thường, đức tin luôn ẩn giấu. Và theo ĐH, nó biểu hiện ra ở thế giới quan, ở hành động theo thế giới quan đó.

    Trả lờiXóa
  3. Thí dụ như một lúc nào đó ta bỗng đặt câu hỏi "Ta là ai? Ta từ đâu đến? Đến để làm gì?" thì tác động ngoại diên có thể là gì? Và có cần một tác động ngoại diên nào ta mới đặt ra những câu hỏi thể hiện một nhu cầu đức tin đó ko?

    Trả lờiXóa
  4. Đó là vấn đề liên quan đến bản ngã. Có thể lắm chứ, con người cũng chính là 1 tác nhân, tác động đến chính bản thân họ. Như ức triệu năm qua, trái đất vẫn tự quay quanh mình đó thôi.
    Đức tin, thiên nhiều về khía cạnh tâm linh. Nó như là 1 sự cứu rỗi, 1 chỗ dựa (chủ yếu về mặt tinh thần) cho con người, trong một số / mọi hoàn cảnh. (Tuy nhiên, ĐH vẫn nghĩ, cơ sở để có đức tin vẫn do lí trí con người).
    Để có đức tin, người ta phải có được nơi để đặt nó. Nơi đó là ai / cái gì..., tùy ở mỗi người.

    Trả lờiXóa