Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

TÂM LÝ THỜI ĐẠI VÀ SỰ TIẾP NHẬN GIÁ TRỊ VĂN CHƯƠNG

Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ ba: Việt Nam - hội nhập và phát triển
Hà Nội, 4 - 7 tháng 12 năm 2008
ĐHQGHN - Viện KHXH VN

VNH3.TB12.645

GS.TS. Hà Minh Đức
Đại học Khoa học Xã hội & Nhân Văn, ĐHQG Hà Nội



Mỗi tác phẩm văn chương thường có một độ thời gian phát triển và kết thúc. Sự tồn tại dài hay ngắn tùy thuộc vào giá trị nội tại của tác phẩm và sự tiếp nhận của công chúng. Vai trò của tâm lý nghệ thuật chi phối khá rõ rệt đến việc tiếp nhận giá trị văn chương. Và tâm lý nghệ thuật lại phụ thuộc vào tâm lý dân tộc trong trường kỳ lịch sử cũng như từng thời điểm. Tâm lý dân tộc vừa có mặt ổn định, bền vững vừa phát triển theo thời gian. Tùy theo hoàn cảnh về địa lý, nhân văn mỗi dân tộc có truyền thống riêng. Văn chương Việt Nam chịu ảnh hưởng của truyền thống anh hùng của một dân tộc kiên cường chống xâm lược bảo vệ tổ quốc, truyền thống vượt lên thử thách của xứ sở đói nghèo, truyền thống bao dung của một dân tộc giàu lòng nhân ái. Cũng vì thế dễ thấy trong trong văn học nhiều áng hùng văn như Hịch tướng sĩ, Bình ngô đại cáo, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, nhiều áng văn trữ tình và khúc ngâm như Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc. Văn chương Pháp chịu ảnh hưởng của tâm lý dân tộc, một quốc gia hưng thịnh, có truyền thống dân chủ, bác ái với cuộc cách mạng nổi tiếng 1789, với những thế kỷ nhiều kỳ tích vang dội của thời phục hưng, Ánh sáng là cơ sở để có những nhà văn lớn như Diderot, Voltaire, Rousseau rồi Victo Huygo, Aragon. Văn chương Ấn Độ một nước lớn tượng trưng một phần cho văn hóa phương Đông, đất nước của những huyền thoại và những chuyện thần kỳ, với một quá khứ nghèo khổ và sức mạnh đám đông, với tôn giáo và khoa học đã góp phần tạo nên một Tagor trong thơ, Prem chân đơ trong văn xuôi.

Tâm lý dân tộc chi phối đến tâm lý nghệ thuật trên nhiều bình diện nhưng sâu xa hơn là phương thức tư duy của dân tộc, sự liên kết bền vững của nhiều yếu tố tinh thần sâu xa của nhân dân một đất nước. Nhiều công trình nghiên cứu về tư duy dân tộc như tư duy Trung Quốc, tư duy Ấn Độ...Vấn đề tuy trừu tượng nhưng có ý nghĩa quan trọng đến hoạt động nghệ thuật. Tư duy của một dân tộc được hình thành từ cơ sở triết học, tư tưởng chính trị thời đại, truyền thống và nếp suy nghĩ của dân gian trong cuộc sống, những phong tục tập quán được gìn giữ lâu đời. Nếp tư duy ảnh hưởng tới văn học và thơ ca. Có một điểm chung nào trong tư duy và cảm xúc của các nhà thơ từ Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, đến các nhà thơ thế kỷ XVIII. Nhà thơ Huy Cận nhận xét: “Từ giai đoạn Tao Đàn của vua Lê Thánh Tông đến giai đoạn thế kỷ 18 của Nguyễn Du phải 3 thế kỷ mới đổi được cảm xúc. Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Phạm Thái đổi mới được cảm xúc sau Lê Thánh Tông phải 300 năm (từ 1492 đến 1780) và từ giai đoạn Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương cho đến những năm 30 của thế kỷ phải mất một thế kỷ rưỡi, mất đi 150 năm. Không dễ mà đổi được cảm xúc. Ở Pháp để đổi được cảm xúc phải mất 100 năm (thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XVIII) từ đó trở đi mới có lãng mạn, thi sơn, tượng trưng...” Thơ mới cũng ra đời sau nhiều thế kỷ chuyển đổi cách suy nghĩ cảm xúc. Đây là thời kỳ hệ tư tưởng phong kiến đã đi vào chặng đường cuối suy tàn và bất lực, không có khả năng tạo được điều gì mới mẻ trong sáng tạo nghệ thuật. Người đọc chờ đợi. Những nhà thơ mới đã xuất hiện theo yêu cầu của thời đại. Tác phẩm của họ đáp ứng thị hiếu nghệ thuật của công chúng, khác về bản chất về cách cảm nghĩ bảo thủ và lạc hậu của một thế hệ sắp qua. Lưu Trọng Lư viết “các cụ ta ưa những màu đỏ chót, ta lại ưa những màu xanh nhạt. Các cụ bâng khuâng vì những tiếng trùng đêm khuya, ta lại nao nao vì tiếng gà lúc đúng ngọ. Nhìn một cô gái xinh xắn, ngây thơ các cụ coi như đã làm một điều tội lỗi, ta thì cho là mát mẻ như đứng trước một cánh đồng xanh. Cái ái tình của các cụ chỉ là sự hôn nhân nhưng đối với ta thù trăm hình muôn trạng, cái tình say đắm, cái tình thoảng qua, cái tình gần gũi, cái tình xa xôi, cái tình giây phút, cái tình ngàn thu”.

Trở lên là nói về tâm lý dân tộc, tâm lý thời cuộc tác động đến sự hình thành của các trào lưu văn nghệ. Một vấn đề cần luận bàn là sự tiếp nhận những giá trị văn chương với sự chi phối của tâm lý thời cuộc. Điều hạnh phúc nhất là sự gặp gỡ giữa yêu cầu của công chúng, thời đại tới tác phẩm nghệ thuật. Phong trào thơ mới trước đây có được may mắn đó. Nhà thơ Lưu Trọng Lư nhận xét: “bây giờ người thanh niên Việt Nam đang đi tìm thi nhân của mình. Chính vì thế mà thơ mới được hoan nghênh”. Nhà thơ Huy Cận cũng cùng một suy nghĩ “Thơ mới ra đời đã được chấp nhận nhanh, được thông cảm nhanh”. Nhà thơ và công chúng mới đã tạo nên sự gặp gỡ đó. Tự lực văn đoàn trào lưu văn xuôi lãng mạn cũng nhanh chóng có được lớp công chúng hưởng ứng nhất là lớp thanh niên đúng như Vũ Ngọc Phan nhận xét về sự hoan nghênh của thanh niên với tác phẩm của Khái Hưng “Khái Hưng là văn sĩ thanh niên cũng như Alfred de Musesset là thi sĩ của thanh niên Pháp thuở xưa”. Các trào lưu văn chương ấy đã đáp ứng được một phần yêu cầu của người đọc, đánh trúng tâm lý của một lớp người đang khao khát tìm một lẽ sống cho dù là trước mắt, ngắn ngủi, không bền vững. Những hiện tượng trên nói lên sự tiếp nhận của văn chương thời bình. Khi xã hội của những chuyển động lớn về chính trị, xã hội, tâm lý dân tộc, tâm lý nghệ thuật lại tạo nên cách tiếp nhận những giá trị văn chương theo cách riêng. Cách mạng Tháng Tám thành công rồi trải qua hai cuộc cách mạng chống Pháp và chống Mỹ văn chương phải nhập cuộc. Với tinh thần chiến sĩ “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một mệnh lệnh. Nhiều nhà văn nghệ sĩ đã có mặt ở tiền tuyến đóng góp cho kháng chiến bằng cây súng, cây bút. Một số đã hy sinh vẻ vang cho cuộc chiến đấu của dân tộc. Văn nghệ cách mạng mùa đầu đã sớm có những tác phẩm có giá trị. Sự gặp gỡ giữa tình cảm yêu nước của các tác giả và thực tiễn của đất nước đang bảo vệ quyền độc lập thiêng liêng chống kẻ thù xâm lược đã góp phần trực tiếp tạo nên nhiều tác phẩm giá trị. Dòng nhạc cách mạng với cảm hứng hào hùng, cao đẹp với các tác phẩm Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi, Làng tôi của Nguyễn Xuân Khoát, Sông Lô của Đỗ Nhuận...Những năm đầu kháng chiến thơ ca cũng nổi lên với những sáng tác giàu tính chất hùng ca và trữ tình. Những bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh như Cảnh khuya, Rằm tháng giêng, Cảnh rừng Việt Bắc, Lên núi gây ấn tượng sâu sắc của những áng hùng văn. Mùa đầu của thơ ca cách mạng với Nhớ máu, Tình sông núi của Trần Mai Ninh, Tây Tiến của Quang Dũng, Đất nước của Nguyễn Đình Thi, Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, Sáng tháng năm của Tố Hữu đã góp phần tạo dựng một gương mặt đẹp của thơ ca kháng chiến chống Pháp. Và người đọc cũng tiếp nhận rất nhiệt tình văn chương kháng chiến. Bộ đội, công nhân, học sinh đọc thơ, ngâm thơ, chép thơ...Và tiếp nối là thơ ca của những năm chống Mỹ cứu nước với thành tựu của nhiều thế hệ, nhất là lớp trẻ như Phạm Tiến Duật, Xuân Quỳnh, Lê Anh Xuân, Nguyễn Duy, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Bằng Việt, Vũ Quần Phương...

Thời cuộc đã tạo không khí đặc biệt trong sáng tạo và tiếp nhận. Giặc Mỹ bắt đầu bắn phá miền Bắc thì Chế Lan Viên đã có ngày Sao chiến thắng “Giặc Mỹ mày đến đây thì ta tiêu diệt ngay. Trời xanh ta nổi lửa, biển xanh ta diệt mày”. Và tiếp theo, Chế Lan Viên đã nổi lên với Những bài thơ đánh giặc. Xuân Diệu ở tuổi năm mươi cũng đến với tiền tuyến, hòa nhập cùng không khí thời đại “Yêu với căm hai đợt sóng ào ào”. Chính Hữu náo nức trong không khí “Có những buổi vui sao cả nước lên đường, xao xuyến bờ tre từng hồi trống giục”. Phạm Tiến Duật ca ngợi con đường ra trận “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”. Tố Hữu có ý thơ đúc kết “Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận”.

Tâm lý dân tộc là tâm lý thời chiến và tâm lý thời cuộc lúc này là tất cả vì độc lập dân tộc.

Chính trong không khí ấy, mà trong văn xuôi Sống như anh được xem là Bài ca lớn của chủ nghĩa anh hùng cách mạng như ý Tố Hữu, rồi Hòn đất, hòn ngọc như ý của Hoài Thanh, các thiên ký Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi, Họ sống và chiến đấu của Nguyễn Khải được ca ngợi. Các tác phẩm văn xuôi trên được đánh giá cao hơn nhiều lần giá trị vốn có của sáng tác. Điều đó cũng dễ hiểu khi những tác phẩm trên theo sát đề tài tuyên truyền có hiệu quả cho những nhiệm vụ chính trị. Tâm lý thời cuộc được hình thành do nhiều yếu tố chi phối: tư tưởng chính trị, thị hiếu nghệ thuật và làn sóng thôi thúc trực tiếp và gián tiếp của công chúng. Khi cuộc chiến tranh kết thúc và bước vào thời kỳ xây dựng hòa bình chủ nghĩa xã hội đã tạo nhiều đổi thay lớn trong sáng tác và tiếp nhận văn học. Từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, từ tâm lý tôn vinh mọi giá trị cộng đồng sang sự quan tâm đến lợi ích và số phận cá nhân, từ sự châm chước tiêu chuẩn nghệ thuật đến việc ghi nhận và đòi hỏi công phu sáng tạo hình thức nghệ thuật, tâm lý tiếp nhận trong văn nghệ đã thay đổi nhiều. Các tác phẩm có giá trị tuyên truyền và thiếu dụng công sáng tạo nghệ thuật không giữ được chuẩn mực đánh giá cũ như Sống như anh, Người mẹ cầm súng, Họ sống và chiến đấu...Một mặt khác các tác phẩm còn bị đánh giá thiếu công bằng trong nhiều thời điểm lại có điều kiện khôi phục lại. Đó là những tác phẩm của Phong trào thơ mới và Tự lực văn đoàn trước thời kỳ đổi mới. Nhiều nhà văn như Phan Khôi, Vũ Trọng Phụng, Vũ Hoàng Chương không còn bị định kiến khi đánh giá. Thơ mới ra đời năm 1932 và mãi đến năm 1992 nhân kỷ niệm 60 năm phong trào thơ mới, nhà thơ Huy Cận mới có thể trịnh trọng khẳng định thơ mới đã trở lại giá trị vốn có. Tự lực văn đoàn ra đời năm 1933 và cũng phải gần 60 năm mới khẳng định được giá trị đúng đắn của văn đoàn. Vũ Trọng Phụng một tài năng độc đáo của trào lưu văn học hiện thực cũng phải chịu đựng nhiều vất vả của công luận để cuối cùng mới có được sự đánh giá công bằng. Mặt hạn chế, tiêu cực được nhấn mạnh nào là chất “dâm” và tính chất tự nhiên chủ nghĩa, nào là khuynh hướng trốt-kít của nhà văn này. Hôm nay Vũ Trọng Phụng được xem như một trong những đỉnh cao của văn học hiện thực. Nhà thơ Tố Hữu cũng nhận xét “Trong văn xuôi hiện nay chưa có nhà văn nào bằng Vũ Trọng Phụng”. Phan Khôi một nhà báo tài năng cũng chịu nhiều thiệt thòi và bất công trước sự đánh giá của dư luận. Phan Khôi là nhà báo sắc sảo với nhiều tiểu luận báo chí và văn học nổi lên ở mấy thập kỷ đầu thế kỷ XX.

Ở giữa hai dòng chảy như ngược chiều nhau giữa khuynh hướng quá đề cao và khuynh hướng đánh giá thấp tác phẩm văn chương cần phải có sự điều chỉnh. Trước hết là sự điều chỉnh của thời gian. Thời gian sẽ giúp sự việc trở về với vị trí và giá trị vốn có. Tuy nhiên thời gian cũng gặp nhiều trở lực xã hội mà tự nó không dễ giải quyết. Nói như nhà văn Nguyễn Đình Thi “Những tác phẩm được quá đề cao thì tự nó thời gian sẽ lắng thấp dần xuống và đặt vào đúng vị trí. Còn những tác phẩm thiệt thòi cần sớm khôi phục giá trị cho công bằng”. Từ đó cũng có thể đặt thêm một câu hỏi là tác phẩm văn chương nào tránh được hai xu hướng được quá đề cao hoặc bị hạ thấp trong dòng chảy của thời cuộc và tâm lý nghệ thuật trước hết đó phải là những sáng tác có chân giá trị. Một tác phẩm có chân giá trị chắc chắn là được sự quan tâm và nằm trên dòng luận bàn của văn chương. Tuy nhiên sáng tác không rơi vào trạng thái cực đoan, bị phủ định về tư tưởng chính trị trong một thời gian dài như trường hợp Nhất Linh, Khái Hưng hoặc nằm trong vòng xoáy phức tạp của thời cuộc qua nhiều chặng đường lịch sử. Mặt khác tác phẩm được đề cao dựa vào những yếu tố ngoài văn học thì giá trị cũng không bền vững. Sự tác động của tâm lý thời cuộc sẽ phát huy và chi phối nhiều đến sáng tạo và tiếp nhận giá trị tác phẩm văn nghệ. Với người sáng tác thì điều quan trọng là phải biết tiếp nhận giá trị của thời cuộc ở những mặt tích cực nhất, tránh xu thời, thói cơ hội và bị động ngu ngơ trước thời cuộc.

Một yếu tố nữa không kém phần quan trọng là ảnh hưởng của giao lưu và hội nhập quốc tế đến tâm lý và thị hiếu nghệ thuật. Bản sắc dân tộc của các nền văn nghệ các quốc gia luôn chịu sự tác động của thời đại trên các mặt tích cực và tiêu cực. Tiếp nhận mặt tích cực của văn nghệ thời đại qua giao lưu quốc tế sẽ giúp cho văn nghệ dân tộc tăng thêm tính hiện đại, xóa bỏ cách biệt giữa các nền văn nghệ các dân tộc. Tuy nhiên xu hướng cần tránh là tình trạng đánh mất mình trong quá trình hội nhập. Trước sự phát triển đa dạng và nhiều màu vẻ của văn nghệ các dân tộc liệu có khả năng tìm được sự kết hợp giữa quá khứ và hiện tại, giữa phương Đông và phương Tây? Trong dịp Festival Huế 2008 nhà hát mặt nạ Monte Charge của Pháp kết hợp với nhà hát tuồng của Việt Nam sáng tác vở Antigone Việt Nam. Diễn viên Pháp nói tiếng Pháp, diễn viên Việt Nam nói tiếng Việt Nam, sử dụng mặt nạ và nửa mặt nạ và cũng được người xem hưởng ứng. Vấn đề quan trọng là chuyển được thông điệp nghệ thuật tới người xem và khán giả chấp nhận. Đây là một thể nghiệm cần được đánh giá và khích lệ trong giao lưu văn hóa với các dân tộc. Tuy nhiên đây còn là một vấn đề phức tạp giữa các nền văn hóa, nước lớn và nước nhỏ, văn minh và chậm tiến rồi hai thể chế chính trị hòa hợp hay đối lập. Tất cả góp phần chi phối đến tâm lý sáng tạo nghệ thuật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét