Con người nói chung không cần nhiều:
Chỉ cần được tìm
Và tìm thấy
Bước đầu chỉ cần hai người
Một bạn
Một thù
Chỉ vậy!
Con người nói chung không cần nhiều:
Một con đường nhỏ bé
Một bà mẹ sống trên đời
Sống thật lâu
Lâu chừng có thể
Con người nói chung không cần nhiều:
Sự lặng im
sau cơn sấm sét
Một mảnh sương mù màu xanh
Một cuộc đời
Một cái chết
Anh ta cần một tờ báo mới in
Như nhân loại muôn hình muôn vẻ
Anh ta cần một hành tinh tí hon
Là trái đất chúng ta
Chỉ thế
Anh ta cần bay tới các vì sao
Cần ước mơ cả về siêu tốc độ
Điều ấy thực ra cũng ít thôi
Điều ấy suy cho cùng
Rất nhỏ!
Không huân chương, không huy chương rùm beng
Cũng không phải hết lời ca ngợi Con người
Nói chung
Không cần nhiều
Chỉ cần có ai ở nhà
Đang đợi
Thái Bá Tân (dịch)
Bài thơ Con người nói chung không cần nhiều của nhà thơ Nga nổi tiếng R.Rozhdestvensky. Ông sinh năm 1932, cùng thế hệ với Evtouchenko. Ở Việt Nam, thơ ông được dịch, trong tuyển tập Phép lạ thường ngày (NXB Hội Nhà văn, H., 1978).
Bài thơ Con người nói chung không cần nhiều là bài thơ trữ tình mang đậm chất triết lí. Người đọc bị hấp dẫn ngay từ tên đề bài thơ. Người đọc bị hấp dẫn bởi tứ thơ gói gọn trong một câu được lấy làm tên của bài thơ. Từ đây, người đọc bị cuốn hút để xem cách diễn giải con người không cần nhiều như thế nào? Con người cần những cái gì? Có đúng là con người nói chung không cần nhiều không?
Sức hấp dẫn của bài thơ chính từ cách lập luận của tác giả. Sự lặp lại của câu Con người nói chung không cần nhiều là để mở đầu cho từng khổ thơ, từng ý của bài thơ.
Cách lập luận của nhà thơ ở phần mở đầu thật độc đáo, gây bất ngờ cho người đọc:
Con người nói chung không cần nhiều
Chỉ cần được tìm
Và tìm thấy
Bước đầu chỉ cần hai người
Một bạn
Một thù
Người đọc bất ngờ và tự đặt câu hỏi: Ông nhà thơ này nói gì lạ vậy? Sao lại chỉ cần hai người - một bạn, một thù? Nhưng rồi ngẫm ra mới thấy đúng là thực tế cuộc sống của con người luôn xuất hiện bạn và thù. Cái thực tế ấy khiến loài người luôn phải biết chấp nhận để vượt lên. Ai hóa giải mối quan hệ thù địch sẽ chiến thắng. Thơ của R.Rozhdestvensky thật sâu sắc, đầy chất triết lí.
Ở truyện hiện đại đã xuất hiện khuynh hướng dòng ý thức. Bài thơ này của R.Rozhdestvensky cũng đã được viết dưới dạng dòng ý thức. Bài thơ đã dẫn giải cho chúng ta thấy những cái cần của con người: cần con đường, cần một bà mẹ. Đúng là như vậy!
Tiếp theo là những suy nghĩ về cuộc đời của một con người.
Là thơ nên bài thơ dẫn dắt người đọc theo dòng ý thức của nhà thơ với những suy nghĩ triết lí nhưng lại rất thơ, với những hình tượng thơ đầy biểu cảm.
Con người nói chung không cần nhiều
Sự lặng im sau cơn sấm sét
Một mảnh sương mù màu xanh
Một cuộc đời
Một cái chết
Đây là một khổ thơ hay trong bài thơ. Chỉ với năm câu thơ thôi, nhà thơ đã tóm tắt được cả cuộc đời của một con người. Con người phải chấp nhận những biến động trong cuộc sống: Sự lặng im sau cơn sấm sét. Và trong mảnh sương mù đó vẫn có màu xanh. Đó là cuộc đời. Cuộc đời có khổ đau, có hi vọng, có sinh, có tử,…
Để cụ thể hơn về cuộc đời đó, bài thơ đã xuất hiện nhân vật trữ tình: Anh ta. Đó chính là một con người nói chung. Anh ta đấy là nhân vật trữ tình để khái quát hóa về con người. Anh ta cần thông tin: một tờ báo mới in. Anh ta cần nơi trú ngụ: là trái đất chúng ta. Anh ta cần và có ước mơ: bay tới các vì sao. Tất cả những điều đó, theo nhà thơ: Suy cho cùng rất nhỏ. Một câu thơ như nút thắt của bài thơ.
Nhà thơ đã dẫn dắt người đọc chiêm nghiệm về cuộc đời của mỗi con người nói chung. Những trải nghiệm về đời người mà R.Rozhdestvensky nói đến gần gũi với mọi người chúng ta. Vì thế, những câu thơ ấy đi vào lòng người đọc rất tự nhiên. Đó chính là sự thành công của nhà thơ.
Nhà thơ đã dẫn dắt chúng ta hiểu thêm về cuộc đời, để mọi người chấp nhận cuộc sống, vươn lên trong cuộc sống.
Bài thơ đẩy lên một cảm nhận mới ở khổ kết của bài thơ. Một kết luận thật bất ngờ nhưng là thực tế, là chân lí; như để lí giải những điều tác giả đã diễn giải ở trên. Điều này lí giải tại sao những điều con người cần ở trên là rất nhỏ:
Con người
Nói chung
Không cần nhiều
Chỉ cần có ai ở nhà
Đang đợi
Tính triết lí trữ tình và nhân văn đã nâng bài thơ lên một tầm cao mới. Đó là điều mà nhà thơ dồn tâm huyết để nói với mọi người rằng: Hạnh phúc của mỗi con người ở ngay rất gần. Con người nói chung cần có tình yêu. Đó mới là điều cần nhất, lớn nhất của con người.
Mong rằng mọi người chúng ta, đều có ai ở nhà đang đợi…
Trần Bá Giao
TƯ LIỆU: Văn nghệ số 46 (2700), thứ Bảy / 12 / 11 / 2011
Someone like you:
Trả lờiXóahttp://dantri.com.vn/c23/s23-541269/nghe-adele-hat-someone-like-you-tai-nha.htm
Em không thể là người bạn đường của tôi
Trả lờiXóaEm không thể chia sẻ với tôi những khát vọng thầm kín
Tại sao ta không thể nói thẳng với nhau điều ấy
Lại loanh quanh bắt bẻ nhau về những điều nhỏ nhặt?
Trên cõi thế này có biết bao kẻ ta thương mến
Đã không thể cùng ta chung một đường
Nhưng có sao nếu những nụ cười của họ ta vẫn gặp ở không trung
Và những bờ vai vô hình vẫn tựa vào nhau trong xa vắng
Thơ là điều có thật nhưng tôi đã hoài công tìm kiếm
Ở cõi đời kỳ quặc này đó em bởi sau cùng tôi đã hiểu
Ấy là mồi nhử của cuộc sống để đưa ta tới
Thơ muôn đời thơ vĩnh cửu không bao giờ tìm thấy ở trần gian
Ở đây nỗi đớn đau là có thật nhưng đền bù hạnh phúc
Vẫn là ở khóe mắt bờ môi – tạm bợ – dù với nụ cười buồn hay kiêu sa
Em thừa biết trên trái đất có con đường nào không chấm dứt
Kể cả con đường yêu kiều nhất của mọi người chúng ta
Hạnh phúc tìm được chỉ là một mùi hương thoảng qua
Còn lần khân ở lại trên mút đầu ngọn gió
Kỳ cục kỳ cục hết sức kỳ cục:
Làn hương không thể hiểu lời ca đã lịm tắt
Những giận hờn xé nát ruột gan...
Tôi không thể là người bạn đường của em
Nhưng tôi cũng không thể
Quên đi những bờ môi quá dịu dàng
Đôi bàn tay e ấp
Chéo khăn quàng khép lại thật kín
Mái tóc ngắn hất lên
Để lại một làn hương phai dần giữa phố phường đông nghẹt
Hà-nội của 5 g. sáng tiếng loa
Hà-nội của kế đó, rụt rè, rồi mạnh mẽ tuôn tràn dòng thác người và xe cộ
Mãi tới thinh lặng của đêm sâu
Hà-nội của buổi chiều ta gặp nhau
Em là tiếng chim hót đầu tiên của Sài-gòn hoảng hốt vào 2 g. sáng
Choàng dậy vì ánh hỏa châu và tiếng nổ đạn bom
Rồi ngủ lại ngay sau đó
Em là cánh bướm giữa vườn rau xơ xác
Buông từ trời cao xuống: những cánh hoa vàng hiếm hoi còn lại
Trên vườn cải đã tan hoang
Em là chiếc hộp cổ khảm xa-cừ
Chất chứa những nỗi niềm bí ẩn thèm khát nhất
Gợi nhớ tới nụ cười bần thần héo hắt của cha tôi
Khi người tỉa tót những cành hải đường
Em là tất cả những châu báu còn lại
Của một quá khứ đắm say và không thể nào quên
Cơn lũ tâm hồn vũ bão nhất
Còn tôi tôi chỉ là một người nhỏ nhoi từ quá khứ xa xôi trở về trong giây lát để rồi lại sửa soạn lên đường
Như cha mẹ tôi anh chị em tôi đã vội vã lìa bỏ quê hương
Tôi tôi chỉ là người may mắn nhất trong bọn họ:
Đã tìm lại được chiếc hộp cổ...
Em là người ở lại nhưng không phải là một kẻ lạ xa
Em cũng là của một thế hệ khác nhưng thời gian đã bị...bác bỏ
(con đường của chúng ta lẽ ra đã rất có thể là một
nhưng cuộc đời quái ác đã chia rẽ/ phân cách chúng ta...)
Xin hãy giữ gìn cẩn trọng ngôi nhà em đang ở
Xin hãy tiếp tục sống tự lập với niềm kiêu hãnh của riêng em
Vì em thuộc về kẻ có đủ sức để ở lại
Này Hồ Gươm là của em Chùa Một Cột cũng là của em
Hãy ở lại với tiếng loa
Hãy ở lại với những đổi thay nhộn nhịp trong quy định
Hãy phục vụ tốt ở bất cứ nơi nào em đang phục vụ
Và hãy coi tôi như một trong những kẻ lỡ cung đàn
Không thể góp tiếng với một dàn đại hòa tấu
Trí huệ lớn – Vinh quang lớn
Xin hãy quên mau
Một cánh chim lẻ loi ngày mai đây đã ở cuối trời
Vô vọng và tuyệt vọng
Một bóng mây góa bụa
Một tia nắng mồ côi
Một con tàu biệt xứ
Nhưng vẫn sống một đời
Vui
Vì đã một lần gặp em...
Trên cõi thế này có biết bao kẻ ta thương mến
Đã không thể cùng ta chung một đường
Nhưng có sao nếu những nụ cười của chúng ta vẫn gặp nhau ở không trung
Và những bờ vai vô hình vẫn tựa vào nhau trong xa vắng...
20-21.5.05
NGUỒN: http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=4164
Ka gửi T
quá chuẩn
Trả lờiXóa