Thứ Tư, 2 tháng 2, 2011

Chiều cuối năm

Buổi học gần cuối năm, trong giờ Phương pháp dạy học tiếng Việt, tôi ngẫu hứng đọc cho sinh viên nghe bài thơ Mùa xuân xanh của Nguyễn Bính:

"Mùa xuân là cả một mùa xanh
Giời ở trên cao, lá ở cành
Lúa ở đồng tôi và lúa ở
đồng nàng, và lúa ở đồng anh

Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh
Tôi đợi người yêu đến tự tình
Khỏi lũy tre làng, tôi nhận thấy
Bắt đầu là cái thắt lưng xanh"

Cái tình của Nguyễn Bính giành cho mùa xuân của đất trời và mùa xuân tình yêu trong lòng người thật thiết tha và tươi mới, đầy sức sống và hi vọng.

Người xưa thường nói "Yêu nhau, yêu cả đường đi lối về". Thực đúng là như thế. Còn gì đẹp bằng hình ảnh hiện lên trong đôi mắt những người đang yêu, chân thành và say đắm. Còn gì có sức hút và đẹp đẽ như những gì thuộc về người mình yêu. Chẳng vậy mà, giữa ngập tràn sắc xanh của da trời, cây lá, đồng lúa, cỏ dại và lũy tre làng, màu xanh nơi chiếc thắt lưng người yêu vẫn như lá nam châm hút mắt thi nhân.

Trong toàn bài thơ, tôi ấn tượng với hình ảnh ở câu thơ thứ năm hơn cả: "Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh". Thanh minh là ngày đất trời tươi, trong, sáng và tạnh ráo; ngày con cháu nơi dương gian tìm về và dâng tấm lòng thành tới những người đã khuất (ở đây, tôi không muốn bàn sâu về vấn đề này). Ngày gặp gỡ âm - dương, tình - nghĩa, hiếu - đễ (tôi nghĩ vậy). Nơi yên nghỉ của những người đã khuất ấy, nơi hiện hữu của cái chết và sự vĩnh hằng đến im lặng ấy, cỏ dại vẫn mọc, vẫn biêng biếc sắc xanh chờ ngày âm - dương giao hòa. Một cái nhìn rất ân tình, rất yêu đời của nhà thơ. Và một cái tình thực đậm đà.


Cuối năm nào, tôi cũng cùng gia đình về quê dâng nén tâm hương tới ông bà, tiên tổ. Thường là vào hai khoảng thời gian: 27, 28 Tết (trước ngày giỗ ông nội) và mùng 2, 3 Tết. Hai chiếc xe máy rong ruổi trên con đường làng. Tôi vẫn nói đùa với Chung: "Ai đi xa mấy chục năm, về lại quê mình chắc cũng không nhầm đường được", bởi đơn giản, 27 năm qua, dưới đôi mắt tôi, làng quê không hề thay đổi (với các nhà kinh tế học, hẳn đây là điều nhức nhói, đáng phải bận tâm. Nhưng với những người con xa quê như tôi, điều này thật tuyệt biết mấy). Mỗi lần đi về, tôi lại được: "nhìn như đôi mắt trẻ thơ", vui tươi, tinh khôi và trong sáng.

Cất bước trên nền đất khô, cỏ xanh cũng cứng, đâm vào gót chân ran rát, và biết bao là gió. Trước mắt mình là mộ phần ông bà, tiên tổ. Chung quanh là cánh đồng mênh mông. Xa xa là ngọn núi Ngăm tím biếc. Chẳng bao giờ tôi cảm thấy muộn phiền (như thỉnh thoảng tôi vẫn vậy). Chỉ đơn giản một cảm giác nhẹ nhàng và thư thái, rộn ràng và yêu cuộc sống.

Cái chết là gì nhỉ? Người thành công và người thất bại. Người được tưởng nhớ và người bị lãng quên. Người tận số và người yểu mệnh... Tất cả, tất cả rồi cùng nằm lại nơi này, im lặng và vĩnh hằng. Cái chết có phải là sự kết thúc? Với người ở lại, đôi khi đó lại là trang mới đánh dấu một sự khởi đầu nào đó.

Cái chết và sự vĩnh hằng. Có điểm gì tương đồng không nhỉ? Nhưng rõ ràng, sống trên cuộc đời này mới thực là điều khó. Đời người ai cũng phải có điểm dừng. Nhưng trong cuộc đời, người ta chỉ chú ý nhiều tới bước tiến. Có ai nghĩ rằng mỗi bước tiến là một bước ta tự tiệm cận tới điểm dừng của chính bản thân ta?

ĐẾM THỜI GIAN
1. Khoảnh khắc


2. Dòng thời gian

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét