Thứ Ba, 22 tháng 2, 2011

Đọc sách

1. CAO HÀNH KIỆN bàn về nghệ thuật truyện ngắn

Thời đại dùng tiểu thuyết để viết truyện ngắn trong lịch sử phát triển tiểu thuyết đã kết thúc từ lâu. Giờ đây dùng tiểu thuyết để khắc họa nhân vật hay sáng tạo tính cách cũng đã cổ lỗ. Ngay cả việc mô tả hoàn cảnh mà không được thay thế bằng phương thức kể chuyện mới cũng làm cho người ta thấy nhạt nhẽo. Ngày nay thời đại mới, ở hình thức văn học của bộ môn cổ xưa này về quan niệm và nghệ thuật không thể không đổi mới. Sự cách tân và hợp mốt không phải là một chuyện như nhau. Để phân biệt cho tách bạch hai điều này cần phải nhẫn nại. Điều tôi muốn ở bản thân mình chính là sự nhẫn nại đó.
Tôi không định nhận sự ca ngợi của mọi người khi tuyên bố sự ra đời của một loại tiểu thuyết mới, mà chỉ là không ngừng tìm kiếm cho mình một lối đi. Trong tập này có hơn chục truyện ngắn, ít nhiều cũng phần nào thể hiện được một chút nỗ lực của tôi. Sự cố gắng này có thể được đúc kết như sau:
1. Những truyện này tôi đều không hề có ý đi kể câu chuyện, cũng không phải là tình tiết, không có những hấp dẫn quyến rũ người đọc của truyện ngắn thông thường. Thoảng có đôi chút hấp dẫn thì có thể nói đó chính là sự hấp dẫn tự bản thân ngôn ngữ. Tôi cho rằng nghệ thuật của bộ môn truyện ngắn suy cho cùng chính là sự thể hiện của ngôn ngữ, chứ không phải là sự mô tả đối với hiện thực. Tiểu thuyết sở dĩ hay là bởi nó có thể dùng ngôn ngữ để thức tỉnh những cảm xúc chân thực của người đọc.
2. Trong những truyện ngắn này, tôi không giải quyết bằng cách mô tả các hình tượng nhân vật mà chủ yếu sử dụng các nhân xưng khác nhau, nhằm mang đến cho người đọc một góc độ cảm xúc khác, đôi lúc có thể thay đổi góc độ này, để cho người đọc quan sát và thể nghiệm ở những cự ly và góc độ khác nhau. Tôi cho rằng cái được gọi là tính cách mới này có một nội hàm phong phú hơn nhiều.
3. Trong những truyện ngắn này tôi loại bỏ sự mô tả thuần nhất khách quan với hoàn cảnh. Giả như có đôi chỗ mô tả thì cũng đều xuất phát từ một góc độ mô tả chủ quan nào đó. Vì vậy cảnh vật loại này có thể nói là một dạng hiện tượng hay nội tâm đối với sự phản ánh bên ngoài, bởi sự mô tả dạng chụp ảnh không phù hợp với bản tính của ngôn ngữ.
Như vậy cả ba nội dung trên đều thống nhất trong một lưu trình ngôn ngữ. Tôi cho rằng nghệ thuật của truyện ngắn chính là đạt được sự thực hiện trong lưu trình ngôn ngữ này.
Cũng cần phải nói rõ là tôi không phản đối việc đề cập hiện thực xã hội trong truyện ngắn. Nhưng tôi nghĩ rằng việc giải quyết từ chính trị, luân lý, xã hội, triết học cho đến muôn vàn những vấn đề của văn hóa và lịch sử trong xã hội không phải các nhà văn có thể đảm nhiệm được. Những vấn đề này chẳng bằng hãy cứ để các nhà chính trị, luân lý, đạo học, pháp học, xã hội học, triết học, các sử gia văn hóa chuyên nghiên cứu bàn thảo có thấu triệt hơn không. Còn điều mong mỏi ở các nhà văn là sự nhận biết đối với bản thân con người.
Con người hiện đại mới thoát ra khỏi tình trạng mông muội chưa được bao lâu, để có được sự nhận thức tường tỏ chính bản thân mình sợ rằng còn phải cố gắng nhiều hơn nữa, còn tôi hy vọng có thể tìm ra một ngôn ngữ chân chất hơn, đầy đủ hơn, thực tế hơn để nhận thức bản thân con người. Tôi không rõ tiếng Hán mà chúng tôi đang dùng hiện nay liệu có đủ khả năng để biểu đạt nhận thức này hay không. Tôi cũng đồng thời biết là mình còn cách xa sự biểu đạt này.


(MUA CẦN CÂU CHO ÔNG NGOẠI, 80s)
---
- Cao Hành Kiện, Linh Sơn, NXB Văn học, H., 2001 - KM.000301 [N(414)3/L312S], 0103-11-32011
- Nguyễn Bá Thính (dịch), Truyện cực ngắn hay nhất của Trung Quốc (tập 4), NXB Văn học, H., 2003 - M/10924 [N(414)3/TR.527.C], 2202-01032011
- Truyện ngắn Cao Hành Kiện, NXB CAND, H., 2004 - M/13744 [N(414)3/TR.517.N], 2202-01032011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét