Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

Phủ Thiên Trường trong thời Trần

Trong tiến trình lịch sử, sự tồn tại của phủ Thiên Trường gắn với sự tồn tại của triều đại nhà Trần và cũng có nhiều bước thăng trầm, biến đổi.


1. Suốt gần một thế kỷ (từ nửa sau thế kỷ XIII đến nửa đầu thế kỷ XIV), vai trò quan trọng với tầm cỡ kinh thành thứ hai sau Thăng Long của phủ Thiên Trường được duy trì đều đặn dưới các triều vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Hiến Tông. Với tinh thần: “Phú quý bất quy cố hương, như ý cẩm tư dạ hành” (giàu sang mà không trở về quê cũ thì như người mặc áo gấm đi đêm), quê hương Tức Mặc phủ Thiên Trường là nơi các hoàng đế thân hành về thắp hương tưởng nhớ tổ tiên, cũng là nơi được thượng hoàng chọn để an nghỉ tuổi già sau khi thôi việc nước. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép rất rõ ràng những lần các thượng hoàng, hoàng đế về ngự tại Thiên Trường:

Đời Trần Thái Tông (1218 - 1277, ở ngôi từ 1226 - 1258):
Đây là vị vua duy nhất được sinh ra tại hương Tức Mặc phủ Thiên Trường. Sử ghi vua ba lần ngự đến hành cung Thiên Trường, vào tháng tám năm Tân Mão (1231), tháng mười năm Ất Mão (1255) và tháng hai năm Nhâm Tuất (1262).
Năm 1231, “Mùa thu, tháng tám, vua ngự đến hành cung Tức Mặc, làm lễ hưởng ở tiên miếu, ban yến cho các bô lão trong hương, và cho lụa theo thứ bậc khác nhau”.
Đặc biệt năm 1262, khi ngự đến hành cung Tức Mặc, Trần Thái Tông (lúc này đã trở thành thượng hoàng) quyết định nâng hương Tức Mặc lên thành phủ Thiên Trường, cung gọi là Trùng Quang, lại xây cung Trùng Hoa cho vua nối đến chầu ở và xây chùa Phổ Minh. Đây là quyết định sáng suốt của một vị minh quân, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và tầm nhìn chiến lược trong đường lối đối nội, đối ngoại (được minh chứng trong hai cuộc kháng chiến năm 1285, 1288). Quyết định này cũng góp phần biến nơi đây thành một triều đình thứ hai, một kinh đô thứ hai, một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự, giáo dục của cả nước.

Đời Trần Thánh Tông (1240 - 1290, ở ngôi từ 1258 - 1278):
Tháng hai năm 1265, vua có một quyết định hết sức quan trọng: “đổi Bình bạc ty ở kinh sư làm An phủ sứ. Theo chế độ trước, An phủ sứ phải qua trị nhậm ở các lộ, đủ lệ khảo duyệt thì cho vào làm An phủ sứ phủ Thiên Trường; lại đủ lệ khảo duyệt thì bổ làm Thẩm hình viện sự, rồi mới được làm An phủ sứ kinh sư".
Sử ghi Trần Thánh Tông hai lần ngự đến hành cung Thiên Trường, vào tháng chín năm Canh Ngọ (1270), khi đang ở ngôi vua và tháng năm năm Kỷ Sửu (1289), khi đã trở thành thượng hoàng. Năm 1289, thượng hoàng Trần Thánh Tông ngự về đây (sau chiến thắng giặc Nguyên Mông lần thứ ba) đã tức cảnh làm bài thơ chữ Hán ngợi ca cảnh thanh bình của đất nước và chốn nhàn ẩn giữa thiên nhiên: “Cảnh thanh u, vật cũng thanh u” với tâm trạng hân hoan, náo nức: “Năm nay chơi, thú vượt năm nao”.

Đời Trần Nhân Tông (1258 - 1308, ở ngôi từ 1278 - 1293):
Năm 1281, vua cho lập nhà học tại phủ Thiên Trường
Tháng năm năm Kỷ Hợi (1299) xảy ra sự kiện thượng hoàng Trần Nhân Tông từ Thiên Trường về kinh sư. Vua Trần Anh Tông uống rượu say quá nằm ngủ không hay biết gì. Thượng hoàng xem xét khắp lượt rồi lập tức trở về Thiên Trường, xuống chiếu cho các quan ngày hôm sau phải về hầu để điểm mục, ai trái thì xử tội. Biết chuyện, Trần Anh Tông phải nhờ Đoàn Nhữ Hài viết hộ sớ nhận tội và quỳ đợi ở sân ngự của thượng hoàng mới thoát nguy cơ bị mất ngôi vua.
Sử còn ghi một sự kiện rất quan trọng nữa là: “Quý Mão năm thứ mười một (1303) (Nguyên Đại Đức năm thứ bảy). Mùa xuân, tháng giêng, ngày 15, thượng hoàng ở phủ Thiên Trường, mở hội Vô Lượng ở chùa Phổ Minh, bố thí vàng bạc, tiền lụa để chẩn cấp cho người nghèo trong nước và giảng kinh giới thí”.

Đời Trần Anh Tông (1276 - 1320, ở ngôi từ 1293 - 1314):
Thượng hoàng ngự về cung Trùng Quang vào tháng ba năm 1317, có Lang trung Hình bộ Phí Trực theo hầu (sau Phí Trực còn kiêm làm chức An phủ Thiên Trường). Sử còn ghi: “Canh Thân, năm thứ bảy (1320) (Nguyên Diên Hựu năm thứ bảy). Mùa xuân, tháng ba, ngày 16, thượng hoàng băng ở cung Trùng Quang, phủ Thiên Trường, rước linh cữu vào cửa Tường Phù để ở cung Thánh Từ”. Đây là thượng hoàng duy nhất băng ở Thiên Trường.

Đời Trần Minh Tông (1300 - 1357, ở ngôi từ 1314 - 1329):
Thượng hoàng về ngự ở hành cung Thiên Trường từ năm 1329. Sử còn chép chuyện: “Tân Mùi năm thứ ba (1331) (Nguyên Chí Thuận năm thứ hai), thượng hoàng ngự cung Trùng Quang, hoàng tử Phủ hầu. Gặp mưa gió to, thượng hoàng sai vịnh thơ, Phủ vịnh rằng:
An đắc tráng sỹ lực cái thế
Khả ngự đại ốc chi đôi phong
(Tìm đâu tráng sỹ sức hơn đời
Chống đỡ nhà to khi gió mạnh)
Thượng hoàng thưởng cho mười lạng vàng (Phủ lúc ấy mười một tuổi)
”.

Đời Trần Hiến Tông (1319 - 1341, ở ngôi từ 1329 - 1341):
Sử ghi thượng hoàng từng ngự đến hành cung Thiên Trường vào mùa xuân, tháng hai năm Quý Mùi (1343).

Đời Trần Dụ Tông (1336 - 1377, ở ngôi từ 1341 - 1369):
Sử ghi lại sự kiện: “[Nhâm Dần năm thứ năm (1362) (Nguyên Chí Chính thứ hai mươi hai)] Tháng chín, vua đến phủ Thiên Trường. Nhân dân ai có ốm đau thì ban cho thuốc công gọi là Hồng ngọc sương, có thể chữa khỏi các bệnh. Người nghèo nghe tin đến xin, cho mỗi người hai viên thuốc, hai tiền và hai thăng gạo”.


2. Từ thế kỷ XIV, Tức Mặc - Thiên Trường chỉ còn đóng vai trò là hành đô, nơi “Mỗi năm thánh giá về quê cũ” (Phạm Sư Mạnh). Sử ghi một sự kiện duy nhất: đời Dụ Tông, năm 1343, thượng hoàng ngự đến phủ Thiên Trường, có sự tháp tùng của Phạm Sư Mạnh.


3. Càng về sau, từ nửa cuối thế kỷ XIV, vai trò là cung điện thái thượng hoàng của phủ Thiên Trường càng lu mờ. Địa danh này mất hẳn vị thế dưới thời Trần Phế Đế (1361 - 1388, ở ngôi từ 1377 - 1388), Trần Thuận Tông (1377 - 1399, ở ngôi từ 1388 - 1398), Trần Thiếu Đế (1395 - ?, ở ngôi từ 1398 - 1400).

4. Cuối thời Trần, sang thời Hồ, rồi thời thuộc Minh, do loạn lạc trong nước và chính sách cai trị hà khắc, hủy diệt thâm độc các giá trị văn hóa dân tộc của quân xâm lược, hương Tức Mặc phủ Thiên Trường đã bị tổn thất ghê gớm. Đền đài, cung điện bị tàn phá. Hoàng cung trở thành phế tích, nền móng lún sâu theo thời gian suốt mấy thế kỷ.

PHẠM THỊ MINH TÂM, (2008)


TƯ LIỆU: Ngô Sĩ Liên - Đại Việt sử ký toàn thư tập 1 - NXB Văn hoá thông tin, H., 2004

NGUỒN INTERNET:
Thế đứng hành cung Thiên Trường: http://www.namdinh.gov.vn/Home/Tunhienxahoi/2007/1225/The-dung-hanh-cung-Thien-Truong.aspx

3 nhận xét:

  1. Em ạ, ngày trước, đôi khi có người hỏi quê anh nơi đâu, anh hơi băn khoăn, nhưng không phải vì không tường gia phả và rùi bầy giờ anh đã rõ quê đâu.
    Tết rùi đi họp đồng hương tỉnh nhà, mấy bác có tuổi lần đầu gặp có hỏi thế. Anh kêu tên huyện, mấy bác cùng huyện rất hồ hởi kể truyện ngày xưa.
    Bữa sau đi họp đồng hương huyện, vẫn câu hỏi đó. Anh kêu tên xã, mấy bác xúm lại hỏi thăm tình hình quê nhà năm qua.
    Bữa nay đi công tác, gặp mấy bạn lưu học sinh trên phố hồ hởi hỏi bằng giọng Tiếng Anh của người Việt: "Anh là người Việt Nam?". Ôi quê hương 2 tiếng ngọt ngào.

    Trả lờiXóa
  2. Theo như tác phẩm Sự xung đột giữa các nền văn minh (The Clash of Civilization and The Remaking of World Order)của Hamiton, để định vị một dân tộc hay một con người như sau:
    Thời kỳ Chiến tranh lạnh người ta đã dùng Hệ tư tưởng (XHCN, TBCN)để định vị;
    Ngày nay người ta thường định vị bằng Văn hóa (Á đông, Phương Tây, EC, Mỹ, Việt...);
    Đôi khi tôn giáo,đạo đức và dòng tộc cũng được sử dụng như những hệ quy chiếu hữu ích (Phật giáo, thời kỳ Tam giáo đồng hành và khi Nho giáo trở thành học thuyết trị quốc, thời Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê...).
    Kinds and Regards!
    Trần Lê Minh Ng

    Trả lờiXóa
  3. Đúng như lời anh nói, QUÊ HƯƠNG luôn là hai tiếng thật ngọt ngào. Yêu quê hương, tự hào về quê hương, không quên nòi giống mình, chính là một cách tự ta giữ gìn bản sắc, của chính bản thân ta.
    Em bất giác nhớ tới một bài thơ của VŨ.
    Tặng anh mấy câu em nhớ!


    "Ai thuở trước nói những lời thứ nhất
    Còn thô sơ như mảnh đá thay rìu
    Ðiều anh nói hôm nay, chiều sẽ tắt
    Ai người sau nói tiếp những lời yêu?
    Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển
    Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya?
    Ai ở phía bên kia cầm súng khác
    Cùng tôi trong tiếng Việt quay về."

    Trả lờiXóa