Thứ Hai, 18 tháng 4, 2011

Tức Mặc - Thiên Trường, nơi phát tích dòng họ Trần

Sách Trần đại tộc quần anh thế phả hành trạng ghi: “Nguồn gốc họ Trần từ đời Đế Thuấn”. Sách Đại Việt sử ký toàn thư lại chép rất rõ ràng rằng: “Đời trước của vua (Trần Thái Tông), có người tên là Kinh đến ở hương Tức Mặc phủ Thiên Trường, sinh ra Hấp, Hấp sinh ra Lý, Lý sinh ra Thừa, đời đời làm nghề đánh cá”.

Nhìn chung, theo nhiều cứ liệu lịch sử và truyền thuyết địa phương thì tổ tiên dòng họ Trần trước đây nối đời làm nghề chài lưới, cuộc sống gắn liền với sông nước. Khúc sông nào lắm cá, lại gần khu dân cư để bán hoặc đổi chác lấy lương thực thì họ tìm đến; lấy thuyền làm nhà, bạn chài trên sông nước làm lân bang thành các vạn chài.

Về sau, vì cuộc sống của dân chài có nhiều hạn chế nên dần dần họ Trần nghĩ đến việc định cư trên đất liền để làm ăn. Ban đầu, họ Trần đến vùng đất An Sinh, gần núi Yên Tử - huyện Đông Triều (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh) làm ăn, mở mang xây dựng khu An Lạc Viên để bà con trong họ có chỗ quây quần đoàn tụ, lại dựng ngôi chùa thờ Phật trên sườn núi Yên Tử. Tại đây, ngày ngày, đàn bà con gái canh tác ruộng vườn và tảo tần, miệt mài hôm sớm bên khung cửi còn đàn ông giong buồm căng lưới đánh cá, người nào cũng sức vóc khỏe mạnh, tài bơi lặn như cá, lại biết thêm võ nghệ để chống chọi với cướp biển và giặc tàu ô.

Sang thế kỷ XII, thời nhà Lý, có Trần Kinh là một người vốn thuộc họ Trần An Sinh, thường hay đi làm ăn xa, đã nhận thấy nơi lộ Hải Thanh (nay là vùng đất Nam Định, Thái Bình) có vùng đất mới bồi ven biển và dải đồng bằng dọc theo triền sông Hồng, sông Đáy, sông Vĩnh bằng phẳng, ổn định, trù phú rất thuận lợi cho việc canh tác, lại vẫn có thể hành nghề đánh cá biển, hơn hẳn xứ An Sinh. Ông liền mộ người tới khai sông, đắp đê, lập ấp làm ăn; lại thiên cư gia đình đến khu Khang Kiện (còn gọi là Tráng Kiện) cũng thuộc lộ Hải Thanh (sau đổi là hương Tức Mặc - phủ Thiên Trường) định cư sinh sống và dựng nhà thờ tổ tại đây.

Sau một thời gian lập nghiệp tại hương Tức Mặc, Trần Kinh đã kết duyên với một người con gái của vùng quê này, sinh ra Trần Hấp. Trần Hấp sinh ra Trần Lý và Trần Hoàng Nghi. Trần Lý lại sinh ra Trần Thừa - thân phụ của Trần Cảnh, người sau này trở thành Trần Thái Tông, ông vua đầu tiên của triều đại nhà Trần. Như vậy, có thể nói: “Trần Kinh, sinh năm 1103, là vị tổ đầu tiên đến ở Tức Mặc, gây cơ sở lớn cho con cháu”.


Dòng họ Trần mới định cư lên bờ ở hương Tức Mặc đến Trần Cảnh là đời thứ năm. Bên cạnh công việc làm ăn, tổ tiên dòng họ Trần luôn canh cánh hoài bão chọn đất để mộ, mong con cháu sau này vinh hiển. Theo dã sử, một lần Trần Hấp đang đánh cá ở ngã ba sông Hưng Yên - Thái Bình thì vớt được một thầy địa lý người Trung Hoa sắp chết đuối. Cảm tạ ơn đức cứu mạng, thầy địa lý này đã chỉ cho ông khu đất có huyệt đế vương tại địa phận xã Thái Đường (Hưng Hà - Thái Bình ngày nay) và căn dặn cách để mộ. Điều đáng chú ý là trong lời của thầy địa lý có câu phán: “Dùng nhan sắc nghiêng nước có thể lấy được thiên hạ thái bình” (Nguyên văn: Dĩ nhan sắc khuynh quốc, đắc thiên hạ thái bình) và: “Tuy phúc lộc ở đất Thái Đường có nhỏ, nhưng khanh tướng ở đất Khang Kiện thì vô tận”. Trần Hấp ngay sau đó đã chuyển mộ thân phụ sang Thái Đường, đồng thời chuyển qua vùng Hải Ấp (Lưu Xá - Tinh Cương, nay là xã Canh Tân - huyện Hưng Hà - tỉnh Thái Bình) để ở gần khu mộ và tiện công việc làm ăn. Trần Hấp còn cho Trần Lý lấy con gái họ Tô (một thế lực mạnh ở Hải Ấp bấy giờ) để tạo tiềm lực mai sau. Như vậy phu nhân của Trần Lý lại chính là chị gái quan thái uý Tô Trung Từ, khiến hai họ Trần - Tô có điều kiện đua nhau tổ chức khai khẩn làm giàu, trở thành các hào phú trong vùng, cũng là hai thế lực mạnh cả về quân sự.


Tóm lại
: Hương Tức Mặc - phủ Thiên Trường chính là đất phát tích - sáng nghiệp - dựng nghiệp họ Trần. Dòng họ này tuy bôn ba nhiều nơi (từng làm ăn, sinh sống tại An Sinh) nhưng định cư ở vùng đất Thiên Trường nhiều đời, “càng quan trọng hơn khi vùng đất này là nơi Trần Cảnh, ông vua đầu tiên của triều Trần, sinh thành từ đây sau đó mới theo cha, theo chú lên kinh đô Thăng Long”. Từ Tức Mặc - mảnh đất quê hương nơi cụ tổ Trần Kinh đặt nền móng, con cháu dòng họ Trần mới sang phủ Long Hưng (nay thuộc tỉnh Thái Bình) đặt mồ mả, định cư, tiếp tục lập nghiệp và sau này khởi dựng nên triều đại nhà Trần.

PHẠM THỊ MINH TÂM, (2008)


TƯ LIỆU:
1. Anh hùng dân tộc, thiên tài quân sự Trần Quốc Tuấn và quê hương Nam Định - NXB Quân đội nhân dân, H., 2000
2. Ngô Sĩ Liên - Đại Việt sử ký toàn thư tập 1 - NXB Văn hoá thông tin, H., 2004
3. Trần Xuân Mậu - Họ Trần, nguồn gốc và truyền thống - NXB Thanh Hoá, 2000
4. Trần Xuân Sinh - Thuyết Trần (Sử nhà Trần) - NXB Hải Phòng, 2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét