Thứ Tư, 6 tháng 4, 2011

Thiên Trường _ Nam Định

1. Nam Định là một tỉnh ở phía nam châu thổ sông Hồng, cách thủ đô Hà Nội chín mươi kilômét (90 km) về phía đông nam (phía đông giáp tỉnh Thái Bình, phía tây giáp tỉnh Ninh Bình, phía nam giáp vịnh Bắc Bộ thuộc biển Thái Bình Dương, phía bắc giáp tỉnh Hà Nam) và nằm trên tuyến đường giao thông rất thuận tiện (trên tuyến đường sắt Bắc - Nam và quốc lộ 21 nối từ quốc lộ 1A đến trung tâm thành phố, quốc lộ 10 từ thành phố Ninh Bình qua Nam Định, sang Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh). Dải đất hiền hoà tươi xanh cây lá bốn mùa này được bao bọc bởi lưu vực của những dòng sông lớn (Hồng Hà, sông Đào, sông Ninh Cơ,…). Những dòng sông từng đi vào sử sách, thi ca ấy đã tạo dựng nên vùng đồng bằng rộng lớn và màu mỡ, từ đó, xóm làng san sát mọc lên, quần cư đông đúc. Lần theo dấu tích trên bản đồ địa danh, ta bắt gặp nơi đây biết bao điều đáng nhớ, đáng trân trọng ẩn chứa trong cả cảnh sắc thiên nhiên, cuộc sống và con người: từ vùng núi Gôi (Côi Sơn) ở Vụ Bản đến bãi biển Hải Hậu, biển bồi ở Cồn Lu, Cồn Ngạn (Giao Thuỷ); từ vùng đồng chiêm trũng Vụ Bản, Ý Yên đến dải đồng bằng châu thổ được dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa quanh năm bồi đắp với những cánh đồng thẳng cánh cò bay, bờ xôi ruộng mật. Chẳng vậy mà từ xa xưa, cặp hình ảnh sơn thuỷ hữu tình, nên thơ nên hoạ non Côi sông Vị đã trở thành biểu tượng thiêng liêng, bất tử cho mảnh đất thành Nam (cũng như sông Hương núi Ngự mang linh hồn xứ Huế mộng mơ, núi Nùng sông Tô chất chứa hào khí, anh linh của kinh thành Thăng Long ngàn năm văn hiến hay rất nhiều cặp địa danh tiêu biểu khác như: sông Châu núi Đọi, núi Tản sông Đà,…).



2. Ngược dòng lịch sử, căn cứ vào các tài liệu địa chí hiện biết thì Nam Định vốn là đất Nam Giao đời xưa. Thời Lý, đất ấy thuộc lộ Hải Thanh. Thời Trần, Trần Thái Tông đổi là lộ Thiên Thanh; Trần Thánh Tông đổi thành lộ Thiên Trường, đồng thời thăng làng Tức Mặc lên thành phủ Thiên Trường (1262). Sang thế ký XV thì: “Triều nhà Lê cũng theo thế. Trong năm Quang Thuận (1466) đặt là thừa tuyên Thiên Trường, thống trị các phủ huyện. Đến khi định bản đồ, mới đổi làm thừa tuyên Sơn Nam, có chín phủ ba mươi sáu huyện”, đến năm Hồng Đức thứ hai mươi mốt (1490) đổi làm xứ Sơn Nam; trong đời Hồng Thuận lại đổi làm trấn với đặc điểm: “Địa thế trấn này rộng, xa, có nhiều cảnh tốt, là bậc thứ nhất ở trong bốn thừa tuyên (…), là đất tụ khí anh hoa, tục gọi là văn nhã, thực là cái bình phong phên chắn của trung đô và là kho tàng của nhà vua”. Dẫn theo Đất nước Việt Nam qua các đời của Đào Duy Anh thì: Dưới thời Lê Trung Hưng, năm Cảnh Hưng thứ hai (1741), trấn này chia ra làm hai lộ là Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ; thời Tây Sơn lại trở lại trấn Sơn Nam Thượng và trấn Sơn Nam Hạ. Đầu thời Gia Long, lấy hai trấn thượng, hạ lệ vào Bắc Thành. Năm Minh Mệnh thứ ba (1822) đổi thượng trấn làm trấn Sơn Nam, hạ trấn làm trấn Nam Định. Đến năm 1832 thì chính thức đặt tỉnh Nam Định. Đây là quá trình thay đổi, chia đặt phức tạp, Nam Định từ một vùng địa lý với nhiều địa danh hành chính (đạo - lộ - phủ - thừa tuyên - xứ - trấn) đã trở thành tỉnh, trị sở về cơ bản không có sự thay đổi.

Nam Định nằm ở chính giữa cái nôi của nền văn minh sông Hồng, lịch sử từ xưa đến nay luôn gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam. Vùng đất này thời nào cũng được mệnh danh là địa linh nhân kiệt. Bắt đầu từ các vua Hùng dựng nước, Nam Định dẫu rằng không phải vùng đất tổ nhưng chúng ta đã phát hiện ra trống đồng ở núi Gôi (Vụ Bản) và những di vật đồ đá, đồ đồng khác trong các di chỉ khảo cổ học của người Việt xưa ở các dải núi đồi của Vụ Bản, Ý Yên. Đó là những minh chứng cho sự hiện diện của nền văn hoá Đông Sơn nơi đây. Sang thế kỷ XX, dưới con mắt của người Pháp thì: “Chiếm được thành Hà Nội và Nam Định là chiếm được Bắc Kỳ”. Từ đây cũng đủ cho ta thấy tầm quan trọng và vị thế lịch sử của dải đất ở phía nam đồng bằng Bắc Bộ này.

Tựu trung lại, vùng đất Nam Định nay, Thiên Trường xưa với bề dày lịch sử và chiều sâu các giá trị văn hoá đã đóng góp một phần không nhỏ và luôn có vị thế xứng đáng trong kho tàng văn hoá Việt Nam.



3. Trên mảnh đất Nam Định hiện vẫn còn di tích phủ Thiên Trường (tên cũ là hương Tức Mặc) - nơi phát tích của dòng họ Trần và vương triều Trần. Bảy trăm năm trước, nơi đây từng là một trung tâm chính trị, văn hóa của đất nước, được tập trung xây dựng nhiều lâu đài, cung điện nguy nga, lộng lẫy, tòa ngang dãy dọc (trong đó tiêu biểu nhất là điện Trùng Quang nơi Thái thượng hoàng về ngự và điện Trùng Hoa để các vua Trần về chầu nghỉ ngơi). Cho đến nay, nhất là từ sau năm 1945, qua nhiều lần chia đặt, đất hương Tức Mặc - phủ Thiên Trường thuở xưa, nay nằm trên địa bàn bốn xã: Lộc Vượng, Lộc Hạ (phường Lộc Vượng - thành phố Nam Định), Mỹ Trung, Mỹ Phúc (huyện Mỹ Lộc - tỉnh Nam Định) và vẫn lưu giữ được cụm di tích quan trọng về nhà Trần rộng hàng chục hecta bao gồm:

Cụm di tích đền Trần - chùa Tháp với quần thể di tích đền Trần nằm ở vị trí trung tâm của hành cung Thiên Trường khi xưa (nay thuộc làng Tức Mặc - phường Lộc Vượng - thành phố Nam Định); bao gồm đền Thiên Trường và đền Cố Trạch được xây dựng sát nhau trên một diện tích khoảng tám hécta (8 ha) ngay trên nền móng của cung điện Trùng Quang, Trùng Hoa. Du khách đến thăm khu đền Trần, từ thành phố Nam Định đi theo đường Hưng Yên và 38A có thể men theo con đường trải nhựa dọc sông Vĩnh về phía tây bắc khoảng ba kilômét (3 km) hay chuyển qua đi đò từ đoạn chân cầu Sắt. Cách khu vực đền Trần bốn trăm mét (400 m) về phía tây (vẫn thuộc làng Tức Mặc) là ngôi chùa Phổ Minh - còn có tên chùa Tháp - xây dựng từ thời Lý và được mở rộng hơn từ năm 1262 dưới thời Trần.

Cụm di tích Bảo Lộc bao gồm đền Bảo Lộc, đền Khải Thánh, chùa, phủ Mẫu, lăng Hưng Đạo Vương (thuộc xã Mỹ Phúc - huyện Mỹ Lộc - tỉnh Nam Định), cách trung tâm thành phố năm kilômét (5 km) về phía tây bắc. Từ thành phố, du khách theo đường 38A đến chợ Viềng, đi tiếp đến đê Ất Hợi rồi rẽ trái theo đê chừng hai kilômét (2 km) nữa là đến.



4. Về thăm khu di tích nhà Trần ở Nam Định hôm nay, du khách vừa được lắng nghe, tìm hiểu, vừa được ngắm nhìn, thưởng ngoạn những thành tựu của một trong những nền văn hóa rất huy hoàng của dân tộc ta thế kỷ XIII - XIV. Từ đó họ thêm thấu hiểu không phải ngẫu nhiên mà người Nam Định dù đang ở đâu, làm gì cũng đều tự hào rằng mình là người con của quê hương vương triều Trần - một vương triều đã đạt tới đỉnh cao trong hệ tư tưởng Đại Việt. Hệ tư tưởng ấy không những đã đánh bại tư tưởng của đế chế phong kiến phương Bắc mà còn là nền tảng để hình thành cốt cách người dân Nam Định nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung.

PHẠM THỊ MINH TÂM, (2008)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét